MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa (internet)

Chọn đúng đối tượng để quy định kéo dài tuổi hưu

Đỗ Văn Nhân LDO | 04/11/2016 12:36
Đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lại được nêu ra trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động tới đây. Theo đó, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức được đề xuất sẽ tăng từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ và tăng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam. Dự kiến, năm 2017, khi trình Quốc hội Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội sẽ tiếp tục trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này theo Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội là sẽ ứng phó với nguy cơ mất cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), tình trạng già hóa dân số… 

Đây là đề xuất nhận rất nhiều sự quan tâm của dư luận thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng tuổi hưu là vấn đề cần xem xét thận trọng, bởi vì nó liên quan đến nhiều yếu tố như ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của lớp trẻ; kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ có bộ phận cán bộ, công chức và viên chức không còn khả năng làm việc nhưng vẫn ở lại nhà nước để hưởng lương do chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu...          

Theo tôi, không nên quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này, bởi vì, tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành cơ bản phù hợp với khả năng, sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức kể cả nam và nữ.

Dư luận cho rằng, lý do chính hiện nay là sợ mất cân đối quỹ BHXH nên cần phải quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên đây không phải là lý do chính đáng. Trên thực tế, cơ chế quản lý quỹ BHXH hiện đang bất cập trong việc thu – chi, nên nguy cơ vỡ quỹ là không thể tránh khỏi. 

Những bất cập có thể kể đến đó là mức đóng BHXH hiện nay là rất thấp. Hiện tại, mức đóng BHXH dựa trên mức lương đã ký trong hợp đồng lao động, không phải mức lương thực lãnh, trong khi đó mức lương thực lãnh hoặc phụ cấp, chế độ khác có thể cao gấp nhiều lần, được chi trả cho người lao động với nhiều hình thức khác nhau nên khó thống kê, kiểm soát thu nhập. Do đó, cần phải có quy định kiểm soát mức thu nhập này làm căn cứ để bổ sung mức đóng BHXH. 

Bên cạnh đó, tình trạng các doanh nghiệp nợ BHXH cố tình chay ì, né tránh hoặc không đóng BHXH cho người lao động đang xảy ra phổ biến nhưng chưa có cơ chế hữu hiệu để bắt buộc doanh nghiệp phải nghiêm túc chấp hành việc nộp BHXH cho người lao động; mức phạt hiện tại đối với doanh nghiệp trốn hoặc nợ BHXH cho người lao động chưa đủ sức răng đe, đây là lý do cơ bản ảnh hưởng đến việc mất cân đối quỹ BHXH. Đồng thời, cần phải kiểm soát chặt chẽ quỹ BHXH, tránh tình trạng sử dụng quỹ sai mục đích, nhất là sử dụng quỹ để đầu tư kinh doanh.          

Nếu khắc phục được tình trạng nêu trên, thì sẽ cân đối được quỹ BHXH trong thời gian tới mà không cần phải nâng độ tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, góp phần mở rộng cơ hội việc làm cho lớp trẻ, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ngơi khi đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, có thể quy định bổ sung việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao, có học hàm, học vị đang công tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, giáo dục, đào tạo... để tranh thủ nguồn chất xám và khả năng cống hiến của họ cho xã hội. Đối với cán bộ, công chức, viên chức còn lại thì việc nghỉ hưu theo độ tuổi lao động theo quy định hiện hành là phù hợp. 

Đỗ Văn Nhân TP Kon Tum

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn