MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Danh sách cuộc gọi rác quấy rối một người dùng di động. Ảnh: Thế Lâm.

Chống cuộc gọi rác: Tâm điểm từ lĩnh vực địa ốc, bảo hiểm…

Thế Lâm LDO | 08/07/2020 15:54
Tình trạng cuộc gọi rác mà hầu hết là cuộc gọi bán hàng qua điện thoại (telesale) bùng phát trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây tại Việt Nam. Hơn 2 năm, nhưng cuộc gọi rác đã nhanh chóng trở thành “đại dịch” khiến hầu hết người nhận cuộc gọi phải ngao ngán, bức xúc…

Trong “đại dịch” cuộc gọi rác hiện nay, những cái tên doanh nghiệp bất động sản như H.T, hay các sàn môi giới địa ốc như D.K đã gây ra rất nhiều khó chịu, bức xúc cho người nghe.

Còn trong lĩnh vực bảo hiểm, công ty bảo hiểm D của Nhật Bản đã để lại “thương hiệu”… không hay ho vì có quá nhiều cuộc gọi rác mời mọc khách hàng mua dịch vụ của mình.

Nếu cho rằng dẹp cuộc gọi rác là dẹp telesale là hoàn toàn không chính xác. Cần biết rằng, người dùng điện thoại hiện nay không phản đối phương thức telesale. Telesale không có nghĩa là cứ gọi bừa, gọi ào ào, gọi bất chấp được chăng hay chớ như đại đa số các nhân viên bán hàng thuộc nhiều công ty bất động sản, của hàng ngàn sàn môi giới địa ốc, của hàng chục công ty bảo hiểm nhân thọ… hiện nay.

Telesale phải có đích nhắm, mà muốn vậy trước hết cần có công đoạn tìm hiểu nhu cầu, đánh giá khách hàng tiềm năng phù hợp thì mới gọi điện để giới thiệu, mời mọc. Telesale không có nghĩa là nhân viên này gọi bị từ chối thì chuyển sang cho những nhân viên bán hàng khác cùng công ty gọi tiếp, tới tấp, khiến khách hàng như bị dội bom cuộc gọi dẫn đến ức chế tâm lí.

Nói đúng hơn, cách làm của không ít công ty địa ốc, đặc biệt là các sàn môi giới bất động sản và một số công ty bảo hiểm nhân thọ đang thực hiện một việc là phản telesale, càng gọi càng gây ra cuộc gọi rác, càng gây khó chịu và tạo ra sự bực tức, bất bình từ người dùng di động.

Đáng nói hơn, có một số nhân viên môi giới địa ốc, nhân viên bán suất du lịch nghỉ dưỡng…, sau khi bị khách hàng bực bội phản ứng vì cuộc gọi rác đã trả đũa bằng cách đưa số điện của khách hàng lên các trang mua bán nội tạng. Rất nhanh sau đó,  khách hàng lại bị “dội bom” các cuộc gọi tới… hỏi mua nội tạng, khiến khách hàng cảm giác như bị khủng bố.

“Đại dịch” cuộc gọi rác điển hình trong hai ngành địa ốc và bảo hiểm nhân thọ hiện nay trước hết xuất phát từ cung cách quản lí bán hàng và cũng phản ánh phần nào văn hóa doanh nghiệp. Thay vì mang lại cho khách hàng sự lịch sự, văn minh, vui vẻ, dễ chịu thì đại đa số các cuộc gọi telesale hiện nay được thực hiện bởi các nhân viên mới vào. Họ được giao nhiệm vụ chuyên gọi điện thoại mời mọc, không những không nắm được tâm lí khách hàng/người nghe mà kĩ năng, nghiệp vụ chuyên môn bán hàng cũng thiếu và yếu, không thể trả lời những thắc mắc của khách hàng. Chính vì thế, cuộc gọi của họ khiến khách hàng khó chịu, không hài lòng, vô hình chung cuộc gọi đó bị khách hàng xem là cuộc gọi rác.

Đó là cũng lỗ hổng trong huấn luyện, giáo dục tại những doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ trực tiếp tới khách hàng, nhưng lại không chú trọng đào tạo chuyên môn giao tiếp, khả năng tương tác với khách hàng cho nên thay vì tạo ra một cuộc gọi telesale chất lượng thì lại bị biến thành những cuộc gọi rác gây khó chịu.

Chính vì thế, chống cuộc gọi rác hiện nay, các cơ quan chức năng và các nhà mạng viễn thông trước hết hãy chọn tâm điểm là các công ty bất động sản, sàn môi giới địa ốc, những công ty bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp kinh doanh suất nghỉ dưỡng, dạy tiếng Anh online… để xử lí làm điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn