MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơn mưa lớn nhất từ đầu năm 2024 đến nay đã giải nhiệt cho nhiều vùng khô hạn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Phan Tuấn

Chống hạn, không thể để mãi cảnh thụ động chờ "mưa vàng"

Thanh Hải LDO | 29/03/2024 17:59

Chiều tối 28.3, khu vực Nam Tây Nguyên, đặc biệt tại Đắk Nông đã xuất hiện mưa lớn trên diện rộng. Nhiều nơi mưa to cực đoan như mùa lũ. Đây là cơn mưa đầu tiên sau hơn 3 tháng nắng hạn đỉnh điểm...

Thống kê của cơ quan khí tượng thủy văn Tây Nguyên, mưa lớn phân bổ ở hầu hết các huyện tại Đắk Nông. Tại huyện Đắk Song có nơi lượng mưa lên đến 56,8mm. Đặc biệt, tại huyện Đắk Glong mưa xuất hiện đều ở các xã, có nơi lên đến 83mm.

Với cường độ mưa lớn như thế, nếu kéo dài nhiều ngày và rơi vào thời điểm mùa mưa thì chắc chắn gây lũ lụt. Tuy nhiên, thời điểm này thì ngược lại, được xem là "mưa vàng", bởi Tây Nguyên đang trong giai đoạn khô hạn gay gắt. Trận mưa rất quý giá, bở i đã "giải nhiệt" cả vùng đất đang như chảo lửa. Trong đó đã cứu sống hàng trăm nghìn hecta cây trồng ở Đắk Nông.

Nông dân khắp nơi mừng vui, ngửa mặt đón mưa vàng. Nhưng đó là một thông tin buồn. Bởi một vùng chuyên canh nông nghiệp, thủ phủ của nhiều loại cây trái, hoa quả xuất khẩu chủ lực của cả nước như hồ tiêu, ca cao, sầu riêng, cà phê, chanh dây... lại quá bị động nước tưới, phụ thuộc hẳn vào chuyện nắng mưa của trời.

Tây Nguyên vốn là đại ngàn, nhưng giờ hoang hóa, khô hạn khắp nơi. Đây cũng là vùng đất được nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhiều nhất.

Riêng Đắk Lắk có đến 782 công trình thủy nông, nhưng hiện hàng trăm hồ, đập bị thấm nước, sạt lở các mái ta luy đập. Đại công trình thủy lợi Krông Pách Thượng xây dựng từ năm 2009 với số vốn 2.900 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh, tăng thành 4.400 tỉ đồng, đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.

Đắk Nông ít hơn, nhưng cũng có 250 công trình thủy lợi, và nhiều hồ đập cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Có công trình thiết kế không phù hợp, có nơi thi công dở dang, không phát huy tác dụng... Mùa mưa thì sụt lún, đứt gãy, gây nguy cơ vỡ đập đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp... Mùa khô thì trơ đáy, không đủ nước phục vụ cho tưới tiêu, sinh hoạt.

Thực trạng sông khô, hồ cạn xảy ra khắp nơi cả nước vào mùa hè. Như Đà Nẵng phải liên tục xin thủy điện xả nước để cứu hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt cho cả triệu dân.

Trong khi đó, thủy lợi Ia Mơr tại Gia Lai, đầu tư tới 3.000 tỉ đồng thì lãng phí vì không có vùng tưới... Gia Lai đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Quốc Hội, xin chuyển đổi gần 5.000ha rừng làm vùng tưới, rồi bất thành.

Bây giờ Gia Lai không xin phá rừng, chuyển đổi thành vùng tưới nữa, rừng ở xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông được phục hồi, xanh tốt. Trước mắt, hồ Ia Mơr thừa nước, chắc chắn hàng ngàn hecta phụ cận sẽ tươi xanh, cây trồng, hệ sinh thái tự nhiên và con người không bị héo hon khô hạn vì rừng đã tái sinh.

Chính rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh mới là cội nguồn của mạch nước ngầm, là guồng điều hòa vĩ đại nhất của mọi sinh vật sống, chứ không phải là các hồ thủy lợi.

Hồ thủy lợi rất cần thiết đối với các vùng nông nghiệp, nhưng giữ rừng nguyên sinh, đầu nguồn mới là giải pháp hữu hiệu, bền vững nhất trong việc điều hòa tưới tiêu, chống hạn, phòng lũ và bảo vệ môi trường.

Không phải xây nhiều hồ thủy lợi, mà giữ và trồng thêm rừng thì mới mong thoát cảnh thụ động chờ "mưa vàng" như Tây Nguyên hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn