MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với chị Thoa (bên phải), xin nghỉ việc là quyết định đúng đắn. Ảnh: Hà Hạnh.

Chủ động xin nghỉ việc trước làn sóng sa thải nhân sự

LƯƠNG HẠNH - MINH HÀ LDO | 29/08/2023 06:32

Không chỉ giới trẻ, lao động ở độ tuổi gần 40 cũng chủ động xin nghỉ việc hoặc chuyển đổi nghề nghiệp trước làn sóng sa thải nhân sự kéo dài trong thời gian gần đây.

Trong lúc nhiều lao động khác chỉ muốn giữ lấy công việc, tránh khỏi làn sóng sa thải nhân sự thì vẫn có nhiều người lao động khác chủ động xin nghỉ việc hoặc chuyển đổi công việc. Chị Phạm Thị Thoa (36 tuổi, Hà Nội) là một trong số người lao động quyết tâm “dứt áo ra đi” khỏi nhà máy trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sau nhiều năm gắn bó.

Khi còn làm kỹ sư tại đây, chị Thoa hưởng mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Việc thường xuyên di chuyển giữa Hà Nội và Hưng Yên trong thời gian dài khiến chị Thoa không có thời gian chăm sóc gia đình. Đây cũng là lý do chính khiến chị quyết tâm rời bỏ nhà máy.

 Nhiều người lao động chủ động xin nghỉ việc hoặc chuyển đổi công việc vì không có thời gian chăm sóc gia đình. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Nữ kỹ sư nhận định, trong vòng 3 năm trở lại đây, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải giải thể hoặc cắt giảm nhân sự. Nguồn việc làm vốn ít ỏi nay lại càng khan hiếm với lao động đã gần 40 tuổi như chị.

Chị Thoa cũng tìm hiểu, với những doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự trên 35 tuổi, đa số đều ưu tiên nam giới. Bên cạnh đó, hầu hết các vị trí này đều dành cho khối quản lý cấp cao, nhân sự phải có trình độ vượt trội.

“Mỗi công ty lại đòi hỏi người lao động năng lực chuyên môn, kỹ năng khác nhau. Không phải làm việc ở công ty này tốt sang công ty khác vẫn tốt, chưa chắc tôi đã phát huy được hết khả năng của mình ở công ty mới. Bởi, làm việc với đồng nghiệp khác, ê kíp khác, môi trường cũng khác sẽ khiến lao động có tuổi gặp khó khi hoà nhập” – chị Thoa nói.

Song, ngay cả khi bối rối tìm việc, chị Thoa cũng không hề hối hận với quyết định nghỉ việc thời gian qua. Do đó, chị sẵn sàng đến các phiên giao dịch việc làm hoặc trang thông tin tuyển dụng để rải hồ sơ xin việc.

Dưới góc độ nhà tuyển dụng, bà Dung cho rằng, người lao động cần xác định rõ mục tiêu trước khi chuyển đổi công việc. Ảnh: Hà Hạnh.

Dành lời khuyên cho lao động muốn chủ động xin nghỉ việc hoặc chuyển đổi công việc trong thời gian này, bà Đinh Thị Dung - Giám đốc Công ty Cổ phần Học viện nhân lực Sky Team bày tỏ: “Trước khi chuyển đổi sang công việc mới, người lao động cần chuẩn bị mục tiêu rõ ràng. Xác định công việc muốn chuyển đổi, tài chính trong thời gian tìm việc, chờ việc cũng là thứ không thể thiếu”.

Bên cạnh những tổn thương khi lao động bị mất việc, giảm việc trong thời gian qua, Bản tin thị trường lao động quý II/2023 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành ghi nhận sự biến động về nhu cầu việc làm.

Phân tích xu hướng tuyển dụng, tìm việc trên thị trường, Bộ này cho biết, trong quý II có hơn 20.100 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng hơn 70.500 lao động, và có đến 78.074 người tìm việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo trong quý III/2023, cả nước sẽ có khoảng 51,5 triệu người có việc làm, tăng 267 nghìn người so với quý II/2023.

Một số ngành có nhu cầu tăng việc làm là Dịch vụ ăn uống, tăng 114 nghìn người; Bán buôn (trừ ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác) tăng 105 nghìn người; Sản xuất thiết bị điện, tăng 69,7 nghìn người.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Để giải quyết việc làm cho 162.000 lao động trong năm 2023, tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%, Sở này Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của hành phố, địa phương; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn