MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ quán báo CSGT xử lý khách say xỉn: Quan trọng nhất là ý thức

LƯƠNG HẠNH LDO | 10/07/2022 17:01
Việc Cảnh sát giao thông (CSGT) đề nghị chủ quán nhậu phối hợp, báo tin khi khách say xỉn vẫn lái xe khiến nhiều bạn đọc băn khoăn về tính khả thi trong thực tế. 

"Chủ quán nhậu nhắc khách nhậu - một việc làm mang tính hình thức. Tiền mặt bằng, đầu tư quán, lương nhân viên là chi phí cố định. Nhà hàng buộc phải chi trả các khoản này. Thêm nữa, hãy đem chuyện nhắc nhở này nói ra với một người đang nhậu thử xem phản ứng nhận lại sẽ thế nào. Vấn đề nằm ở ý thức của mỗi người. Những người đến ăn, nhậu đều đã trên 18 tuổi, liệu rằng họ không có đủ năng lực hành vi để cần phải có người đến cạnh bàn nhắc nhở?" bạn đọc giấu tên thắc mắc. 

Bày tỏ quan điểm, bạn đọc Nguyễn Phong cho rằng: "Tôi thấy hình thức quá. Nếu thực sự lực lượng CSGT muốn xử phạt tất cả những người đã nhậu mà vẫn lái xe thì việc thực hiện đơn giản hơn nhiều. Các quán nhậu đều tập hợp trên một số tuyến đường nhất định. Chỉ cần bố trí lực lượng trên một số tuyến này thì chắc chắn xử lý được".

"Làm sao một người kinh doanh lại có thể phản bội chính khách hàng đã tạo ra thu nhập cho quán mình chứ. Quá thiếu thực tế", bạn đọc Nguyễn Vũ Viết. 

Đưa ra góp ý, bạn đọc Nguyễn Vinh Thái viết: "Chủ quán nên tổ chức xe taxi hay grab cho khách về để đảm bảo an toàn cho khách và đảm bảo trật tự giao thông công cộng! Hiện nay một số nhà hàng đang làm".

Bạn đọc giấu tên đề xuất: "Tôi nghĩ chỉ cần hằng đêm CSGT cứ đậu xe ở đầu đường có nhiều quán nhậu. Sau đó, kiểm tra ai có uống rượu bia là đưa hết về thì chẳng cần chủ quán báo đâu, họ tự gọi xe ôm hay taxi về nhà".

Một bạn đọc khác lại cho rằng: "Bố trí chốt gần quán nhậu thì lại bị mỉa mai là “gài”. Còn vận động chủ quán để họ nhắc nhở tác động khách thì bị chê là “hình thức”. Ngoài xử phạt thì biện pháp vận động người dân tuân thủ cũng mang tinh thần xây dựng, là một bước trong công tác bảo vệ quần chúng nhân dân." 

"Để an toàn cho bản thân và mọi người, thì ngoài chi phí hùng tiền nhậu, cần thêm một khoản phí đi xe ôm về nhà. Cuộc vui sẽ trọn vẹn", bạn đọc Minh Anh bày tỏ.

Cùng quan điểm, bạn đọc Hoài Quốc chia sẻ: "Tôi thấy cách tuyên truyền này cũng hay mà, nên tuyên truyền mạnh mẽ hơn. Đi nhậu xong thì nên đón xe ôm về là cách an toàn nhất. Đâu ai biết được rủi ro trước mắt, tính mạng là trên hết mà".

Bạn đọc Nguyễn Thanh viết: "Hoan nghênh các anh ra sáng kiến này. Có thể có người chê cách làm thụ động. Nhiều vụ lái xe say xỉn đã gây chết người đi đường nhưng không biết làm sao hạn chế tình trạng này. Ít ra mấy ông bà chủ quán báo tin cho công an thì cũng bớt tai nạn thương tâm".

Trước đó, Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông.

CSGT TP.HCM đã cùng công an các phường phối hợp gặp chủ các cơ sở kinh doanh có sử dụng rượu bia để tuyên truyền.

Theo nội dung cam kết, các chủ nhà hàng, quán nhậu, karaoke… sẽ thường xuyên nhắc khách đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; không tự lái xe sau khi đã uống rượu bia. Các quán nhậu cũng sẽ chủ động treo băng rôn với nội dung: "Không lái xe sau khi đã uống rượu bia".

CSGT cũng đề nghị chủ quán, những người chứng kiến phát hiện người đã sử dụng rượu bia cố tình điều khiển xe có thể báo cho lực lượng CSGT gần nhất biết, xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn