MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vụ tai nạn xảy ra tại Bắc Giang do người điều khiển ôtô lái xe sau khi đã uống rượu bia. Ảnh: CA Bắc Giang.

Chủ quán nhậu nhắc khách sau rượu bia không lái xe: Cần cả lý và tình

Thế Lâm LDO | 10/07/2022 16:51

Tình trạng nhiều người dân đi nhậu, đi tiệc (có phục vụ rượu bia) bằng ôtô, xe máy và tự điều khiển vẫn xảy ra khá phổ biến hiện nay. Chính vì thế, việc các quán nhậu nhắc nhở khách sau khi uống rượu bia không lái xe là rất cần thiết, nhưng gặp không ít chông gai.

Cần quán triệt quan điểm rằng, đã uống rượu bia thì không lái xe, cho dù uống nhiều hay ít. Quan điểm này được phổ biến tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các nước phát triển, văn minh, và được người dân tuân thủ khá nghiêm, cùng với đó là mức chế tài cũng rất nghiêm khắc.

Ở Mỹ, tài xế quá nồng độ cồn cho phép bị cảnh sát phát hiện, hoàn toàn có thể bị tống giam ngay lúc đó để xử lý sau. Còn ở nước ta, nhiều cuộc gọi cầu cứu của người lái xe sau khi uống bia rượu bị cảnh sát giao thông (CSGT) “vịn” lại, thực sự làm phiền đến nhiều người khác để nhờ cậy tránh phạt.

Gần đây, CSGT tỉnh Bình Thuận ra quân đến các quán nhậu, quán bar, nhà hàng đề nghị chủ quán cam kết nhắc nhở khách sau khi uống bia rượu không nên lái xe, đã được các chủ quán hưởng ứng.

Các chủ quán hưởng ứng cũng đúng thôi, vì đó là việc cần làm để bảo đảm an toàn cho chính thực khách của họ, và cùng nhau hạn chế tai nạn giao thông (TNGT). Chủ quán không mất gì, và thậm chí còn “được”, vì góp sức bảo đảm sự an toàn cho thực khách.

Trên thực tế cách đây 3 năm sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, rất nhiều quán xá và hãng bia, rượu đã cùng nhau triển khai các chiến dịch “uống rượu bia an toàn”. Cụ thể là hỗ trợ taxi cho khách về nhà còn xe máy được quán giữ giúp và hôm sau khách tới lấy sau. Tuy nhiên, chiến dịch này đa phần chỉ nhằm PR cho các hãng bia rượu và giúp một số quán xá “làm màu” chứ không dài hơi để thực sự góp phần hạn chế TNGT.

Tất nhiên, lời khuyên của chủ quán cũng chỉ là một phía, dù xuất phát cả về lý và tình, nhưng nếu thực khách không nghe thì cũng chịu.

Gần đây có đề xuất là, chủ quán báo cho CSGT nếu khách hàng sau khi uống rượu bia vẫn lái xe về. Dư luận đã bày tỏ sự không đồng tình với cách làm này.

Thứ nhất, chủ quán bỗng dưng bị biến thành người “đâm sau lưng khách hàng”, sẽ không mấy chủ quán thực sự muốn làm, và khi khách biết thì quán đó cũng khó mà tiếp tục kinh doanh.

Thứ hai, cách làm trên vô hình chung kích thích cách hành xử “đâm sau lưng” nhau, không ổn về mặt đạo đức ở một xã hội có truyền thống trọng  nghĩa tình và đạo lý như tại Việt Nam.

Chính vì thế, chủ quán hưởng ứng và chung tay trong việc hạn chế tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia cũng chỉ có mức độ mà thôi, còn lại chủ yếu phụ thuộc vào ý thức người dân về việc tuân thủ luật pháp và bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân và người khác.

Cũng có ý kiến góp ý rằng, cứ làm mạnh như một số bang ở Mỹ, cho phép chủ quán giữ chìa khóa của khách say xỉn để khách không tự lái xe về sẽ nguy hiểm. Ai cũng có thể thấy đây là phương pháp cần thiết, tuy nhiên để có thể triển khai cần phải có cơ sở pháp lý, cụ thể là luật định chứ không thể tùy tiện thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn