MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc mua hàng online qua các sàn thương mại điện tử đã trở nên quen thuộc và thịnh hành trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua. Ảnh: Thế Lâm.

Chủ sàn thương mại điện tử đỡ gánh nặng, nhưng vẫn siết được thuế

Thế Lâm LDO | 07/12/2021 16:36

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 100/2021/TT-BTC nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2021/TT-BTC ban hành trước đó. Từ đây, một gánh nặng lớn của các chủ sàn thương mại điện tử cũng được dỡ bỏ.

Gánh nặng đó chính là điều khoản được quy định tại Khoản 6, Điều 18 của Thông tư số 40, theo đó buộc các chủ sàn thương mại điện tử (TMĐT) thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Tuy nhiên ngay khi vừa ban hành, điều khoản này đã nhận được nhiều góp ý, cho rằng đó là một gánh nặng quá mức, thậm chí vô lý, đặt lên các chủ sàn TMĐT. Bởi trên thực tế, mỗi cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trên các sàn TMĐT đều có thể chủ động tự kê khai thuế và nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, các doanh nghiệp thuê gian hàng trên sàn để bán hàng cũng phải tuân thủ quy định nộp thuế theo các quy định luật pháp liên quan, không thể chuyển việc của mình sang cho các chủ sàn gánh vác thay được.

Tuy nhiên, Thông tư số 100/2021/TT-BTC đã tiến hành sửa đổi quy định này. Theo đó, chủ sàn TMĐT nếu không thực hiện khai thuế thay và nộp thuế thay thì phải phối hợp với cơ quan thuế tại địa phương trong việc chia sẻ và cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh thông qua sàn để quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, đây là giải pháp đề huề, tháo gỡ được gánh nặng cho doanh nghiệp nhưng vẫn gắn được trách nhiệm của các bên liên quan.

Thứ nhất, chủ sàn TMĐT được dỡ bỏ gánh nặng phải khai thuế thay và nộp thuế thay, song vẫn phải gánh trách nhiệm với việc thực hiện nghĩa vụ thuế của đối tác của mình vốn đã bán được hàng và có doanh thu, thu nhập thông qua sàn. Trách nhiệm đó chính là cung cấp thông tin, dữ liệu về các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bán hàng qua sàn, góp phần vào việc chống thất thu thuế, hay các hành vi trốn thuế, gian lận thuế có thể xảy ra.

Việc được chia sẻ thông tin, dữ liệu cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp bán hàng có phát sinh doanh thu thông qua sàn TMĐT cũng giúp cơ quan thuế địa phương nắm sát hơn tình hình thực tế, từ đó hoàn toàn có thể chủ động rà soát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về thuế của những nhà bán hàng này.

Đối với những nhà bán hàng, sẽ phải tự kê khai thuế và đóng thuế theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Và đó cũng chính là nghĩa vụ, trách nhiệm không nên để phía nhà bán hàng thoái thác cho bất cứ bên nào khác.

Với Thông tư số 100 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40 có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1.1.2022, cũng đánh dấu thời điểm hành lang pháp lý quản lý nghĩa vụ thuế đối với các nhà bán hàng trên các sàn TMĐT đã khá hoàn thiện, sẽ góp phần giúp hạn chế tình trạng thất thu thuế trên các sàn TMĐT hiện nay.  

Theo nghiên cứu của Google, Temasek Holdings (Singapore) và Công ty tư vấn Bain & Company (Mỹ), TMĐT Việt Nam đã tăng trưởng mạnh 53% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm trước. Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm nay ước đạt 13 tỉ USD, và sẽ tăng mạnh lên 39 tỉ USD vào năm 2025, rồi tăng mạnh tiếp lên 56 tỉ USD vào năm 2026.

Với quy mô thị trường như vậy, nguồn thu thuế từ thị trường TMĐT chắc chắn là không nhỏ, cho nên việc chống thất thu thuế cũng sẽ là vấn đề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn