MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ shop online cần làm gì để không bị bom hàng?

Mạnh Cường LDO | 11/05/2023 07:58

Để tránh tình trạng bom hàng khi bán hàng online, các chủ shop cần phải tìm hiểu kỹ về khách hàng trước khi giao. Thậm chí yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước nếu nghi ngờ hoặc hoặc giá trị hàng lớn, phí ship cao.


Nghĩ lại về quá khứ khi bị bom hàng, chị Trần Thị Hiền (25 tuổi) - chủ shop online mỹ phẩm nội địa Trung không khỏi bức xúc: "Rất nhiều khách đặt cho vui, đặt ngẫu hứng theo cảm xúc lúc xem video chứ không có nhu cầu thực sự muốn mua dùng sản phẩm".

Thời gian đầu khi chị Hiền mới bán hàng trên nền tảng mạng xã hội TikTok, tỉ lệ hoàn hàng khá cao, trên 30%. Bởi lúc đó, quy định đối với người mua của TikTok còn khá lỏng, trả hàng dễ dàng mà không mất phí vận chuyển hay nhiều thủ tục nên người mua dễ từ chối sản phẩm đã đặt.

Theo chị Hiền, rất nhiều khách đặt hàng ngẫu hứng theo cảm xúc chứ không thực sự muốn mua dùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo chị Hiền, có nhiều lý do khiến khách bom hàng, trả hàng được đơn vị vận chuyển báo về. Chẳng hạn như người nhận đi vắng không nghe điện thoại, người nhận không còn nhu cầu mua nữa hoặc vô tình ấn nhầm nút mua.

Đặc biệt, có lần người nhận phản ánh hàng giao không đúng mô tả khiến chị Hiền khá bất ngờ. Khi chị Hiền gọi điện lại hỏi khách thì nhận được câu trả lời chỉ muốn mua một mẫu trong bộ sản phẩm trong khi lúc đặt, khách lại chọn giao hàng hỗn hợp nhiều mẫu.

Chia sẻ về kinh nghiệm để tránh bị boom hàng, chị Hiền cho biết - việc này cần phải thực hiện triệt để ở cả 2 phía người bán hàng và nền tảng trung gian hỗ trợ bán hàng như Shopee, TikTok, Lazada…

Các nền tảng trung gian cần có quy định chặt chẽ hơn nữa trong việc xử lý người mua boom hàng. Nên hạ điểm uy tín của người mua, nếu boom hàng quá nhiều mà không có lý do chính đáng nên cấm mua. Ngoài ra, các nền tảng cũng yêu cầu người mua trả phí vận chuyển khi boom hàng mà không phải do lỗi của người bán - chị Hiền đề xuất.

Đối với các chủ shop bán hàng online, trước khi giao hàng đi cần nhắn tin xác nhận lại với khách. Nếu không bán hàng qua các nền tảng trung gian thì phải yêu cầu khách chuyển tiền cọc hoặc ít nhất là tiền phí vận chuyển. Như vậy sẽ khiến khách hàng có trách nhiệm hơn với đơn hàng đã đặt. Trường hợp khách không nhận, chủ shop cũng không bị thiệt hại phí vận chuyển.

Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị Thu Hương (26 tuổi) nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội bán thêm các sản phẩm làm đẹp cao cấp. Chị Hương cũng khá buồn khi nhớ lại những lúc bị bom hàng.

Shipper giao hàng đến đúng lúc khách không còn tiền. Thấy số tiền cao hơn 1 triệu đồng, khách đã từ chối nhận kèm theo lời xin lỗi không biết nên vui hay buồn: "Ngày 15 chị lấy lương, em giao lại cho chị nhé, hiện tại chị đang không có tiền, mong em thông cảm".

Theo chị Hương, để tránh bị bom hàng, yếu tố quan trọng đầu tiên chính là kinh doanh sản phẩm chất lượng, chính hãng. Khi khách hàng có hỏi về nguồn gốc, chất lượng cũng có thông tin để khẳng định, thuyết phục khách mua hàng.

Giá trị sản phẩm cao cũng là lý do khiến khách dễ bom hàng của chị Hương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Ngoài ra, khâu tư vấn cũng vô cùng quan trọng. Trong quá trình bán hàng, khách hàng nào tôi cũng tư vấn tận tình bằng cả trái tim, đặt bản thân vào người mua để hiểu họ thực sự cần gì sẽ nhận được sự tin tưởng cao của khách. Những vị khách này chắc chắn sẽ nhận hàng sau khi quyết định đặt" - chị Hương tâm sự.

Bên cạnh đó, chị Hương cũng chia sẻ thêm - với các khách hàng là người thân hoặc đã mua một lần thì không sao nhưng với khách lạ mua lần đầu phải tìm hiểu thật kỹ.

Nhất là với các đơn hàng giá trị lớn nên yêu cầu khách thanh toán phí vận chuyển trước hoặc tự trả phí vận chuyển nếu không nhận hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn