MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ trọ không cho nấu trong phòng vì lo cháy nổ, người thuê gặp khó

VÂN HI LDO | 27/06/2024 13:07

Sau loạt vụ cháy nổ diễn ra gần đây, một số dãy phòng trọ trên địa bàn TP Cần Thơ đã hạn chế việc dùng điện nấu ăn tại phòng.

Lo hỏa hoạn từ nấu nướng

Kể từ thời điểm một phòng trọ bị cháy do người thuê nấu ăn trong phòng, và sau loạt vụ cháy nổ diễn ra gần đây bà Nguyễn Thị Thanh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - tên nhân vật đã thay đổi) càng siết chặt phòng cháy chữa cháy, quy định tạm dừng nấu ăn trong phòng.

Trao đổi với Lao Động, bà Thanh cho biết, vụ cháy xảy ra cách đây 2 năm, xuất phát từ việc người thuê nấu ăn trong phòng, không may bén lửa cháy xém vào quần áo. Rất may phát hiện kịp thời, nên không để lại hậu quả.

“Dạo gần đây nhiều vụ cháy nổ xảy ra để lại hậu quả thương tâm nên tôi rất sợ. Tôi tạm thời không cho người thuê nấu ăn tại phòng chờ đến khi xây xong khu nấu ăn tập thể để người thuê nấu ăn tập trung ở đó”, bà Thanh cho hay.

Được biết, dãy phòng trọ của bà Thanh xây từ năm 2015, diện tích 15-18m2/phòng, mức giá thuê từ 900.000 - 1.200.000 đồng/tháng, đối tượng thuê chủ yếu là sinh viên và người lao động.

Còn đối với bà Kiều Oanh (chủ nhà trọ đường 3/2, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) lại siết chặt việc sử dụng điện của người thuê.

Dây điện được câu nối để dùng cho nhiều thiết bị điện tại phòng trọ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tôi thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở việc đấu nối nguồn điện, dây điện mắc loằng ngoằng trong phòng vì dễ chập điện. Không biết xui rủi đến lúc nào nên chủ động vì an toàn là trên hết”, bà Oanh nói.

Người thuê đắn đo chuyện ở hay đi

Chủ nhà trọ siết chặt việc nấu nướng, dùng điện đã khiến chị Nguyễn Dịu Thảo (nhân viên văn phòng tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) gặp khó khăn trong sinh hoạt.

Chị Thảo cho biết: “Mức lương tôi chỉ 7 triệu đồng/tháng, để tiết kiệm tôi phải nấu ăn tại phòng trọ. Kể từ ngày cô chủ tạm hoãn việc nấu ăn, tôi phải mua đồ ăn ngoài, mỗi ngày cũng mất khoảng 100.000 đồng thay vì 50.000 đồng nấu ăn được 3 bữa như trước”.

Tạm dừng việc nấu ăn khiến người thuê bị ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt. Ảnh minh họa: Phong Linh

Việc mua đồ ăn ngoài khiến chị Thảo ảnh hưởng lớn đến thu nhập và bản thân cũng đắn đo chuyện ở hay đi.

“Tôi cũng hiểu chủ khu trọ cũng vì muốn đảm bảo an toàn cho mọi người nên mới không cho nấu ăn, và xây khu ăn riêng. Nhưng từ đây đến đó còn khoảng 1 tháng và tôi phải ra ngoài ăn xem như tháng này đi làm không có dư. Bất tiện trong sinh hoạt, tôi cũng định dọn đi, nhưng vì giá thuê rẻ và đã ở lâu nên tôi còn chần chừ”, chị Thảo nói.

Còn đối với bạn Nguyễn Huỳnh Như Ý (sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, TP Cần Thơ) lại chấp nhận dọn đi. "Sinh viên chúng em không có nhiều tiền để ăn ngoài, nên em với bạn cùng dọn ra thuê ở đường lớn. Giá thuê phòng mới có đắt hơn, nhưng chúng em chia tiền với nhau và ở đường lớn cũng yên tâm hơn so với thuê phòng trong hẻm sâu, xe cộ khó ra vào", Như Ý cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn