MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hà Quang Thắng – Chủ tịch UBND xã Thanh Mai kiểm tra thực địa khu vực doanh nghiệp san lấp đất nông nghiệp để nâng cấp xưởng chế biến chè. Ảnh: Quang Đại

Chủ xưởng chè san lấp đất nông nghiệp, lãnh đạo huyện nói gì?

QUANG ĐẠI - PHẠM THÔNG LDO | 25/02/2022 16:19

Nghệ An –Theo lãnh đạo huyện Thanh Chương, việc doanh nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp nhằm mục đích tăng năng lực thu mua sản phẩm chè cho nông dân, nêu quan điểm tạo điều kiện hoàn thiện thủ tục cho doanh nghiệp thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ngày 25.2, trao đổi với phóng viên, ông Hà Quang Thắng – Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết đang tiếp tục hoàn thiện báo cáo UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) về sự việc chủ doanh nghiệp chế biến chè tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn.

Đại diện chủ xưởng chè Truyền Thống đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thuê đất để có mặt bằng sản xuất kinh doanh. Ảnh: QĐ

Theo đó, vào các ngày 26 – 28.1.2022, UBND xã Thanh Mai lập biên bản đối với ông Lê Văn Thống - chủ Xưởng chế biến chè Truyền Thống về hành vi san ủi mặt bằng, bó giằng móng trên 2.7733,4m2 đất nông nghiệp tại xóm Trường Sơn. 

Theo biên bản hiện trường, phần diện tích san ủi cơ bản nằm trong phạm vi khuôn viên đất ông Thống đã dựng cọc bê tông, lợp ngói pro xi măng từ trước năm 2016, nay nâng cấp lại.

Dẫn phóng viên đi thực địa hiện trường, ông Hà Quang Thắng – Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: “Diện tích đất này một phần của gia đình ông Thống, một phần ông Thống nhận chuyển nhượng của các hộ khác, và đã tiến hành san lấp, sử dụng từ năm 2008 đến 2014, xã đã có hồ sơ xử lý, không có tranh chấp.

Vụ việc đã được báo cáo lên huyện. Đầu năm nay, ông Thống tiến hành san lấp với ý định nâng cấp, xây dựng xưởng chế biến chè trên diện tích đất cũ, xã đã đình chỉ, lập biên bản xử lý”.

Đối với thông tin toàn bộ diện tích hơn 2.700m2 là do chủ xưởng chè mới tự ý lấn chiếm, san lấp trong thời gian đầu năm 2022, ông Hà Quang Thắng – Chủ tịch UBND xã Thanh Mai nói: “Chúng tôi sẽ kiến nghị UBND huyện thành lập tổ công tác liên ngành, tiến hành xác minh thực địa, nghiên cứu hồ sơ và làm việc với các cá nhân, tập thể liên quan để có kết luận và chỉ đạo. Bởi vì, ngoài xưởng chè Truyền Thống, trên địa bàn xã cũng có 4 xưởng chè có vi phạm tương tự, xã đề nghị huyện kiểm tra, rà soát và chỉ đạo xử lý tổng thể”.

Một xưởng chế biến chè trên địa bàn xã Thanh Mai cũng xây dựng nhà xưởng khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai. Ảnh: Phạm Thông

Ông Lê Văn Trọng, đại diện chủ xưởng chè Truyền Thống cho biết số diện tích san lấp chủ yếu nằm trên diện tích gia đình đã sử dụng từ trước 2016. “Chúng tôi thừa nhận sai, nhưng do áp lực thu mua sản phẩm chè từ người dân quá lớn, nên buộc phải mở rộng nâng cấp nhà xưởng trên nền cũ, khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai. Nguyện vọng doanh nghiệp là mong muốn được hoàn thành thủ tục thuê đất để sản xuất, kinh doanh” – ông Trọng nói.

Được biết, trên địa bàn xã Thanh Mai hiện có 5 xưởng chế biến chè đều có vi phạm tương tự, chủ xưởng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp rồi cơi nới, mở rộng nhà xưởng phục vụ sản xuất khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai, địa phương đã đình chỉ nhiều lần nhưng chưa xử lý dứt điểm.

Được biết, chè là cây trồng chủ lực của xã Thanh Mai, với diện tích gần 400 ha, sản lượng trên 5.000 tấn/năm. “Các xưởng chè trên địa bàn đã thu mua chè cho nông dân, tạo điều kiện cho dân có thu nhập ổn định, địa phương mong muốn được cấp trên xem xét, tạo điều kiện hoàn thành các thủ tục đất đai cho chủ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh” – Chủ tịch UBND xã Thanh Mai Hà Quang Thắng đề nghị.

Được biết, đối với diện tích đất các chủ xưởng chè đã san lấp, sử dụng xây dựng nhà xưởng, UBND xã Thanh Mai đã đưa vào quy hoạch đất sản xuất kinh doanh, làm các thủ tục liên quan để doanh nghiệp thuê đất theo quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Thực tế trên địa bàn xã Thanh Mai trước đây có tồn tại một số xưởng chế biến chè mini, sau quy mô sản lượng tăng lên nên người dân mở rộng, cơi nới. Đây là vi phạm do lịch sử để lại. Xưởng chè Truyền Thống cũng có sự cơi nới trên nền diện tích trước đây”.

Về quan điểm xử lý, ông Lê Đình Thanh cho biết trước mắt huyện kiểm tra, chỉ đạo xã đình chỉ và xử lý theo quy định. Còn về giải pháp, quan điểm của huyện đề nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp có mặt bằng ổn định sản xuất kinh doanh, để tiêu thụ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn.

“Chúng tôi đã chỉ đạo xã khoanh vùng, đưa diện tích các xưởng chế biến chè mi ni vào vùng quy hoạch đất kinh doanh, để hoàn thành các thủ tục cấp đất, cho doanh nghiệp thuê đất ổn định” – ông Lê Đình Thanh cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn