MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biệt thự xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp, sau 1 năm vẫn "án binh bất động". Ảnh: PV

Chưa cưỡng chế tháo dỡ biệt thự trên đất lâm nghiệp vì… sợ sai

QUANG ĐẠI LDO | 24/07/2019 11:13

Liên quan đến việc chưa tiến hành cưỡng chế tháo dỡ biệt thự xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp, lãnh đạo huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết do cần rà soát lại các thủ tục, hồ sơ, vì sợ…sai.

Như Báo Lao Động đã thông tin, UBND huyện Thanh Chương đã xử phạt 20 triệu đối với ông Cao Trọng Hồng ở khối Tây Hồ 1, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa về hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng sản xuất, buộc trả lại hiện trạng ban đầu.  

Ông Cao Trọng Hồng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 69.129m2 đất rừng sản xuất tại xã Thanh Mai. Đến tháng 10.2017, ông Hồng xây dựng nhà ở và 1 công trình chăn nuôi tại khu đất được cấp.  

Công trình bao gồm nhà sàn cao 2 tầng, dài 43,4m, rộng 8,7m; sảnh dài 16m, rộng 6,7m; diện tích xây dựng 485m2, tổng diện tích sàn 970m2. Kết cấu bằng bê tông cốt thép kiên cố, bao che bằng tường gạch, sàn tầng 2 đổ bêtông, mái lợp tôn, hoành thành vào tháng 4.2018.  

Ông Hồng xây dựng không được cấp có thẩm quyền cho phép. Mặc dù chủ sử dụng đất xây dựng trái phép rầm rộ trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không lập biên bản xử lý.

Sau khi báo chí phản ánh, vào đầu năm 2019, UBND huyện Thanh Chương mới vào cuộc lập biên bản xử phạt và yêu cầu tháo dỡ, tuy nhiên đến nay khối công trình trái phép nói trên vẫn chưa được tháo dỡ.

PV liên hệ với ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, được thông tin là sau khi huyện yêu cầu tháo dỡ, chủ sử dụng đất xin lùi thời gian tháo dỡ do… thiếu nhân lực, phương tiện.

Một thời gian sau, ông Thanh lại cho biết vẫn chưa thực hiện cưỡng chế tháo dỡ vì còn phải rà soát lại các hồ sơ, thủ tục.

“Vừa rồi, huyện có văn bản báo cáo lên cấp trên, tỉnh đã giao Sở TNMT tham mưu, xử lý. Phía chủ sử dụng đất chấp nhận phạt nhưng lại nói họ xây dựng là có cơ sở, còn cơ sở gì thì phải xem xét, tìm hiểu. Chúng tôi phải hỏi, tư vấn nhiều nơi để cưỡng chế sao cho hợp lý. Sợ trong quá trình xử lý có sơ suất”, ông Thanh nói.

Như vậy, sau hơn 1 năm, công trình nhà cửa dạng biệt thự xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp vẫn không bị xử lý tháo dỡ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn