MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chưa đến Tết đã gần hết tiền thưởng

LƯƠNG HẠNH LDO | 13/01/2023 09:00

Tiền thưởng Tết là một phần quan trọng trong thu nhập vào dịp cuối năm của người lao động. Tuy nhiên, nhiều người không để dành được tiền chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán vì đã dùng cho nhiều khoản phải lo trước đó.

Tết Nguyên đán 2023, anh Nguyễn Danh Bình (SN 1996, Hà Đông) được thưởng đậm. Làm kế toán viên của một công ty phân phối rượu, anh Bình nhận thưởng 2 tháng lương, gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh Bình nhận kèm phần thưởng của nhân viên xuất sắc nhất công ty là 10 triệu đồng

Để có được thành quả đó, trong năm qua, anh Bình hầu như không có ngày nghỉ. Ngoài thời gian làm việc hành chính ở công ty, anh làm thêm giờ, học thêm tiếng Anh để giao tiếp với các khách hàng nước ngoài. Anh Bình đã trả được số nợ của gia đình vay mượn để anh đóng tiền học phí đại học trước đó và chuẩn bị đóng tiền học thạc sỹ. 

"Công ty tôi có chế độ chăm sóc nhân viên rất tốt nên ai cũng phấn khởi làm việc. Nhưng tiền thưởng cầm chưa được ấm tay đã gần hết", anh Bình cho hay.

Với gần 40 triệu đồng tính cả tiền lương tháng 1.2022, anh Bình chia ra để chi tiêu nhiều khoản: Trả nợ, đóng học phí, biếu bố mẹ tiêu tết...

"Hiện tại, tôi chỉ để lại được một ít tiền để lì xì và trang trải tiền sinh hoạt khi ra Tết. Cảm giác như mình chưa hề nhận số tiền thưởng Tết vậy", anh cho hay. 

Hai vợ chồng chị Ngọc Khuê đều là nhân viên văn phòng, đang trả nợ mua nhà ở trên thành phố. Bình thường, tiền lương của hai vợ chồng chỉ vừa đủ để chi tiêu sinh hoạt, lo ăn học cho các con và trả nợ ngân hàng.

Đến Tết, chi tiêu nhiều khoản hơn nên vợ chồng dựa vào tiền thưởng. Tuy nhiên năm nay, chồng chị chỉ nhận được khoản thưởng Tết 7 triệu đồng, kém hơn so với khoản thưởng của chị.

 Khoản thưởng Tết gần 20 triệu đồng với cả gia đình chị Khuê là không nhiều. Ảnh: Lương Hạnh. 

"Tiền mua sắm đồ ăn, thức uống, bánh kẹo cả Tết, tiền biếu ông bà nội ngoại hai bên, mua quần áo mới cho con, đóng lãi vay ngân hàng... Chuyện Tết tiết kiệm, tối giản, hạn chế chi tiêu, nói thì dễ, nhưng chưa kịp để những tiêu những khoản trong Tết, vèo cái đã gần hết tiền", chị Khuê tâm sự.

Còn gia đình Nguyễn Ngọc Minh (SN 1997, Lai Châu) vừa chào đón con đầu lòng cách Tết Nguyên đán chưa đầy 2 tuần. Niềm vui của việc có con cũng là nỗi lo lắng cho các khoản chi tiêu. 

"Dù biết chuyện sinh nở rất tốn kém và đã phải chuẩn bị gần 40 triệu đồng để vợ đi đẻ, nhưng tôi không nghĩ tiêu hết nhiều tiền đến vậy. Sức khỏe vợ tôi yếu, trước khi sinh phải nằm viện theo dõi gần 7 ngày. Mỗi ngày chi phí nằm viện chưa tính tiền ăn đã mất 500.000 đồng", anh Minh chia sẻ. 

Do vấn đề sức khỏe, vợ anh đã phải nghỉ việc để ở nhà 3 tháng cuối để dưỡng thai. Mọi chi phí sinh hoạt ra đình từ tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền ăn... đều do anh Minh gánh vác. 

Trước đó, anh Minh đã nhận khoản thưởng Tết 20 triệu đồng từ công ty. Theo anh, số tiền này không thấm vào đâu so với những khoản anh đã phải chi tiêu trong những ngày giáp Tết.

"Niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi là chào đón con trai đầu lòng. Có lẽ Tết năm nay, chúng tôi phải chi tiêu hết sức dè sẻn do kinh tế khó khăn nhưng tôi nghĩ đó không phải là vấn đề", anh Minh nói.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn