MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng tiền và trang sức bằng bạc giả được bày bán công khai tại các điểm di tích. Ảnh: Văn Thành Chương

Chưa xử lý dứt điểm tình trạng buôn bạc giả tại các điểm di tích Chiến trường Điện Biên Phủ

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 10/05/2023 18:45
Điện Biên - Mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đã vào cuộc, thế nhưng tình trạng buôn bạc giả vẫn tiếp tục diễn ra tại các điểm di tích Chiến trường Điện Biên Phủ.

Ngày 10.5, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lò Văn Hợp - Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ cho biết, ngay sau khi Báo Lao Động phản ánh, ngày 27.4 UBND xã Mường Phăng đã có văn bản gửi đến các Bí thư chi bộ và Trưởng bản tại 20 thôn bản trên địa bàn toàn xã.

"Chúng tôi yêu cầu các đồng chí Bí thư chi bộ và Trưởng bản khẩn trương tổ chức họp dân, tuyên truyền về các quy định của pháp luật, không để tình trạng buôn bạc giả, có dấu hiệu lừa dối khách hàng xảy ra làm mất uy tín và hình ảnh tốt đẹp của mảnh đất lịch sử" - ông Hợp cho hay.

Theo ông Lò Văn Hợp, sau khi giao cho lực lượng công an nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan thì xác định việc lừa bán bạc giả cho khách có thể xử phạt từ 1-3 triệu đồng theo quy định tại Điều 9, Nghị định 98/2020/NĐ-CP về hành vi buôn bán hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đạo - Giám đốc Ban quản lý di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên) cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ Báo Lao Động, Ban quản lý di tích đã yêu cầu tất cả các chủ sạp hàng phải công khai, niêm yết giá và ghi rõ các mặt hàng lưu niệm được bày bán.

Những đồng bạc giả được làm giống hệt đồng bạc thật cả về kích thước và họa tiết.

"Chúng tôi cũng yêu cầu tổ bán vé và đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm di tích tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở du khách không mua những mặt hàng nếu cảm thấy nghi ngờ. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền nơi có các điểm di tích để tìm giải pháp quản lý" - ông Đạo cho hay.

Chính quyền và đơn vị quản lý thì cho biết như vậy, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, tình trạng bán trang sức, đồng tiền bằng bạc giả vẫn tiếp tục xảy ra. Do vậy, để chấm dứt tình trạng này, các đơn vị liên quan cần phối hợp để có chế tài xử lý dứt điểm chứ không chỉ dừng ở việc tuyên truyền.

Trước đó, ngày 24.4, Báo Lao Động đã phản ánh "Có tình trạng lừa dối khách hàng tại các điểm di tích Chiến trường Điện Biên Phủ". Theo đó, những đồng tiền của Pháp và một số nước được làm giả và bày bán công khai. Các loại trang sức bằng bạc giả cũng được người dân ngang nhiên bày bán trên các sạp hàng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một đồng bạc được chào bán với giá từ 100.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng. Nếu là khách nước ngoài sẽ có giá cao hơn. Tương tự, một chiếc vòng tay bằng bạc giả có giá từ 80.000-300.000 đồng và đều được quảng cáo là "bạc Thái".

Một người dân từng bán những mặt hàng này cho hay, tất cả đồng tiền và đồ trang sức được lái buôn đem đến giao tận nơi cho người dân và các sạp hàng, chứ người dân ở đây không tự làm giả được.

"Họ giao một đồng bạc với giá khoảng 30.000 đồng, sau đó các chủ sạp hàng sẽ bán lại cho khách từ 100.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng. Các sản phẩm bằng bạc giả khác cũng có giá rẻ tương tự" - người này cho hay.

Theo một chủ cửa hàng vàng bạc tại TP Điện Biên Phủ, 1 đồng bạc Đồng Dương có giá thấp nhất là trên 1 triệu đồng, tùy từng năm sản xuất và chất bạc. Có đồng được giao dịch lên đến vài chục triệu đồng. Nếu chỉ tính giá trị bạc thì mỗi đồng tiền như vậy cũng phải bán được trên 500.000 đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn