MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giờ ra chơi của học sinh lớp 5 - Trường TH Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. (Ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: DN

Chuẩn bị hành trang để con không hụt hẫng khi vào lớp 6

Phan Duy Nghĩa (Hà Tĩnh) LDO | 02/07/2021 07:00

Chuẩn bị những gì trong hành trang cho con khi chuyển cấp học, đầu tư như thế nào cho đúng cái con cần khi bước chân vào các lớp đầu cấp là vấn đề đang rất cần trao đổi.

Hụt hẫng khi vào lớp 6

Nhiều phụ huynh băn khoăn khi học tiểu học con mình là học sinh giỏi nhưng khi mới bước lên lớp 6 đã nhận được phản ánh tiếp thu chậm, học lực trung bình, không tập trung. Nhiều giáo viên dạy lớp 6 than phiền sao học sinh yếu quá, nhút nhát và chậm chạp quá. Còn học sinh thì than thở học khó quá, bài nhiều quá.

Vì sao vậy? Đó là do có nhiều điều bỡ ngỡ và mới lạ cùng một lúc đến với các em.

Trước hết là “mới lạ” về tâm sinh lý. Các em trở nên nhút nhát, thiếu tự tin vì từ học sinh lớn nhất của trường tiểu học lại trở thành nhỏ nhất của trường THCS. Nhìn các anh chị lớp trên to lớn, lanh lợi, các em bỗng thấy mình sao nhỏ bé, ngờ nghệch, nếu bị các anh chị lớp trên hù dọa lại càng sợ hơn.

Sau đó là mới lạ về thầy cô, bạn bè, cách dạy và cách học. Ở tiểu học, giáo viên đóng vai trò là “ông thầy tổng thể”, có nghĩa là một giáo viên dạy nhiều môn học, làm nhiều nhiệm vụ giáo dục. Vì vậy thời gian gần gũi, quan tâm đến từng đối tượng học sinh được nhiều hơn, các em xem cô giáo của mình như “người mẹ hiền”.

Còn ở THCS, mỗi giáo viên chỉ dạy một môn học nên thời gian gần gũi và quan tâm đến học sinh được ít hơn. Thầy cô mới, bạn bè chưa quen, các em còn lạ lẫm với việc thầy cô dạy xong một tiết là sang lớp khác, học sinh không được thầy cô chủ nhiệm theo sát từng em. Các em không hiểu bài, không chép bài kịp cũng chẳng biết làm sao.

Ở tiểu học, học sinh học 2 buổi/ngày nên các bài tập được giải quyết ngay tại lớp, về nhà không phải làm bài tập. Còn ở THCS, phần lớn dạy học 1 buổi/ngày nên học sinh phải làm thêm bài tập ở nhà.

Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều môn học mới, nội dung học tập có mức độ khái quát và trừu tượng cao hơn, nên nhiều em học sinh lớp 6 cảm thấy “sợ học”.

Ở tiểu học, học sinh ghi chép trên vở ô li và tốc độ viết chậm hơn. Còn ở lớp 6, học sinh ghi chép trên vở kẻ ngang (không có ô li), tốc độ viết nhanh hơn nên nhiều em viết không kịp, lâu ngày sinh ra viết chữ xấu, viết tắt nhiều.

Chuẩn bị hành trang cho con

Đối với học sinh, việc chuyển tiếp từ cấp tiểu học lên cấp THCS được coi là bước ngoặt trong cuộc đời. Do vậy, các phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế thật tốt cho các con khi bước vào môi trường mới.

Trước hết, phụ huynh cần trao đổi thẳng thắn với con để con nắm được sự thay đổi, những điều mới lạ ở lớp 6 so với tiểu học, sau đó hướng dẫn con chuẩn bị về mặt tâm lý và phương pháp học phù hợp.

Về mặt tâm lý, phụ huynh cần trang bị kỹ năng giao tiếp để con sẵn sàng tiếp nhận với cái mới, nhanh chóng hòa đồng với thầy cô, bạn bè cũng như làm quen với môi trường để học tập tốt hơn. Việc trang bị kỹ năng giao tiếp để con làm quen với thầy cô, bạn bè vô cùng quan trọng. Điều này sẽ quyết định đến chất lượng học tập của con cũng như tạo cho con năng lượng tích cực và niềm vui khi đến trường.

Về phương pháp học tập, phụ huynh cần rèn luyện cho con tính kỷ luật và nề nếp. Để từng bước đưa con vào “khuôn khổ” học tập và giúp con thích nghi nhanh với môi trường học tập mới, phụ huynh nên giúp con xây dựng thời gian biểu cụ thể, đảm bảo cân đối với lịch học của con ở trường cũng như phù hợp với lịch sinh hoạt chung của cả gia đình.

Phụ huynh cần rèn luyện cho con kỹ năng viết nhanh để theo kịp tiến độ của tiết học, cũng như rèn cho con khả năng tập trung để tiếp thu kiến thức của bài học một cách hiệu quả.

Đặc biệt, phụ huynh hãy dành thời gian trò chuyện với con nhiều hơn, lắng nghe con, làm bạn cùng con và dạy con cách bày tỏ quan điểm, tôn trọng những sự khác biệt để con trở nên hòa đồng hơn. Thường xuyên liên hệ, trao đổi với nhà trường, thầy cô giáo để nắm bắt tâm lí và kết quả học tập của con.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn