MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Trần Đình Bình trên bục giảng trường Đại học Y Dược Huế. Ảnh: CTV

Chuẩn mực văn hóa nghề nghiệp của nhà giáo trường y dược

PGS.TS Trần Đình Bình – GV Cao cấp ĐH Y Dược Huế LDO | 20/11/2021 17:36

Trong xã hội, nghề y dược được ghi nhận và tôn vinh là nghề cao quý, nghề giáo được ghi nhận là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Vì vậy, một nhà giáo trường y vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo nên nghề nghiệp lại càng vô cùng cao quý trong con mắt của mọi người.

Có được sự tôn vinh đó, biết bao thế hệ nhà giáo thầy thuốc đã thầm lặng cống hiến, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình để trau dồi phẩm chất nhà giáo, năng lực sư phạm, y đức, y lý, y thuật vì sức khỏe cộng đồng.

Trong nhân gian, hình ảnh người thầy giáo từ xưa luôn là chuẩn mực của cái hay, cái đẹp, cái mực thước, nghiêm túc, của sự uyên bác, của sự kính trọng và lòng biết ơn trong mỗi phụ huynh, học sinh và toàn xã hội; hình ảnh người thầy thuốc là hiện thân của trí tuệ, lòng nhân từ và sự đồng cảm, “thầy thuốc như mẹ hiền”.

Nhà giáo trường y là sự kết hợp hài hòa chuẩn mực của cả thầy giáo và thầy thuốc nên chuẩn mực văn hóa nhà giáo trường y dược càng được nâng cao.

Từ xưa đến nay, các nhà giáo ngành y đã được xem là những chuẩn mực cao quý như tấm gương của Hải Thượng Lãn Ông, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hoàng Thủy Nguyên, Đặng Đức Trạch, Tôn Thất Bách, Đặng Vạn Phước, Trần Đông A, Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Hiếu...

Vậy, để giữ gìn và làm đẹp thêm hình ảnh của nhà giáo ngành y dược, chúng ta cần chú ý những gì?

Không gian văn hóa nghề y

Khái niệm văn hóa học đường là toàn bộ hoạt động vật chất, tinh thần của một nhà trường; biểu hiện trước hết ở hệ thống các giá trị, chuẩn mực, niềm tin, quy tắc ứng xử tốt đẹp giữa các chủ thể trong môi trường giáo dục; đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện, phát triển nhân cách người học, hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ.

Do đặc thù về đào tạo, tại các trường đào tạo về y dược, sinh viên những năm đầu sẽ học các môn khoa học cơ bản và y học cơ sở, và một số nội dung tiền lâm sàng; còn những năm cuối học thực hành lâm sàng tại bệnh viện và cơ sở thực địa tại cộng đồng.

Đối với các bộ môn hay đơn vị lâm sàng, ngoài giờ học tại giảng đường thì có các bệnh viện thực hành, cơ sở thực hành cộng đồng tại tuyến y tế cơ sở với đội ngũ nhà giáo cơ hữu và kiêm nhiệm tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực hành tại các khoa lâm sàng tương ứng. Đây là những cấu trúc đặc trưng trong các trường đào tạo y dược, từ trung cấp, cao đẳng đến đại học và sau đại học.

Đến với môi trường đào tạo y dược, ai cũng sẽ nhận thấy những nét đặc trưng riêng biệt, đó là hình ảnh áo blu trắng sân trường, phòng thí nghiệm, bệnh viện… với một không khí học tập và làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy trách nhiệm và tình thương.

Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và năng lực sư phạm

Từ ngàn xưa đến nay, người thầy giáo luôn cần hội tụ đầy đủ phẩm chất chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Nhà giáo trường y dược cũng phải có những tố chất như vậy.

Năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp trong giáo dục y dược nói chung và y khoa nói riêng có những đòi hỏi rất cao. Có giỏi mới làm thầy được, có giỏi mới làm mẫu được, thực hành được. Là một nghề yêu cầu lý thuyết và thực hành luôn song hành một cách hữu cơ.

Tựu trung lại, một người thầy giáo ngành y dược cần hội đủ các mặt chính sau đây: 

Thứ nhất, trình độ chuyên môn y học, kỹ năng nghề nghiệp y khoa giỏi, năng lực sư phạm tốt. 

Thứ hai, có ý thức nghề nghiệp tốt, tuân thủ một cách tự giác các giá trị đạo đức nghề nghiệp và các mối quan hệ nghề nghiệp.

Thứ ba có sự hiểu biết sâu sắc về luật pháp và thực hiện đúng đắn các quy chuẩn luật pháp về nghề nghiệp và lao động nghề nghiệp. 

Có thể nói, những chuẩn mực và văn hóa trong nhà trường y dược đòi hỏi mỗi một nhà giáo và cán bộ thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, nắm vững pháp luật, đặc biệt là những quy định hành nghề; luôn tu dưỡng rèn luyện đạo đức, tác phong, thương yêu học viên, sinh viên, bệnh nhân, luôn chuẩn mực trong ăn mặc, xưng hô, đúng thời gian; nắm vững nội dung lý thuyết thực hành, thành thạo các kỹ thuật trong thực hành; biết tăng cường sự hứng thú học tập của học viên; đánh giá đúng và phân loại tốt kết quả thực hành của học viên…

Có như vậy thì nhà giáo trường y dược sẽ luôn là tấm gương, dẫn dắt các thế hệ thầy giáo, thầy thuốc viết tiếp những hành trình đẹp đẽ của ngành giáo dục và ngành y tế như là những tấm gương sáng ngời y đức trong những ngày phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn