MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Nguyễn Thị Lệ (lớp 3E), trường Tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) trong ngày đầu tiên đứng lớp sau đợt giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I: Bất hợp lý, giáo viên lớn tuổi thiệt thòi

QUANG ĐẠI LDO | 13/03/2021 09:00

Trong quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập, Bộ GDĐT yêu cầu giáo viên hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên. Theo nhiều giáo viên, yêu cầu về bằng cấp như trên là bất hợp lý.

Ngày 2.2.2021, Bộ GDĐT Ban hành Thông tư 02 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập, với nhiều quy định mới.

Về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng, giáo viên tiểu học hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành Đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I.

Theo nhiều giáo viên, yêu cầu về bằng cấp như trên là bất hợp lý. “Ban đầu, trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên tiểu học chỉ là trung cấp sư phạm, sau nâng lên cao đẳng và hiện nay là cử nhân (Đại học). Nay quy định mới yêu cầu giáo viên hạng I phải có bằng Thạc sĩ, vượt 3 cấp so với quy định ban đầu, là quá cao” - cô giáo Lê Thị Hồng - giáo viên tiểu học tại huyện Thanh Chương - Nghệ An nói.

Theo nhiều giáo viên, tiêu chí có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I không khó, chỉ cần tham gia lớp bồi dưỡng do cơ sở giáo dục đủ điều kiện tổ chức và sát hạch đạt yêu cầu thì sẽ được cấp chứng chỉ. Chỉ có tiêu chí có bằng thạc sĩ là quá cao, gây khó khăn rất lớn cho giáo viên, không phù hợp với thực tế.

“Lâu nay, giáo viên tiểu học cứ nghĩ đã có bằng đại học là đã vượt chuẩn, an tâm rồi, nên ít người học lên thạc sĩ, vì rất tốn kém, vất vả, ảnh hưởng công việc” - cô giáo Nguyễn Thị Hoa (Hà Tĩnh) chia sẻ.

Một thực tế là có nhiều giáo viên tiểu học lớn tuổi, có bằng đại học, có thành tích rất nổi bật trong quá trình công tác, được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi giáo viên giỏi các cấp, sáng kiến kinh nghiệm, được các cấp ngành khen thưởng, được phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp tôn vinh, nhưng cũng không thể được bổ nhiệm giáo viên hạng I vì thiếu bằng thạc sĩ.

“Biết là thiệt thòi, bất cập, bức xúc nhưng vì đó là quy định của ngành, nên chúng tôi đành phải chấp nhận. Vì bây giờ tuổi đã cao, không thể theo học Thạc sĩ, mà có khi học xong, cũng đã đến tuổi nghỉ hưu” - cô Lan Anh (TP.Vinh - Nghệ An) buồn bã chia sẻ.

Theo nhà giáo Nguyễn Đức Chiến (Nghệ An), theo lý thuyết thì giáo viên có bằng cấp càng cao càng tốt, nhưng trình độ, đẳng cấp, cống hiến của nhà giáo không phụ thuộc bằng cấp.

“Thực tế giảng dạy cho thấy có rất nhiều thầy cô chỉ có trình độ cao đẳng, đại học nhưng lại dạy rất giỏi, có rất nhiều thành tích, còn có không ít người có bằng cấp thạc sĩ nhưng chưa có thành tích nổi bật. Theo tôi, nếu cứ nâng chuẩn bằng cấp lên cao thì sẽ vô hình trung tạo ra cuộc đua về bằng cấp tốn kém, lãng phí”.

Ông Hoàng Đình Sơn - Trưởng Phòng GDĐT huyện Tân Kỳ (Nghệ An), đối với cấp tiểu học, toàn huyện chỉ có 5 giáo viên có bằng thạc sĩ, trên tổng số gần 500 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy (tỉ lệ 1%). “Số lượng GV tiểu học có bằng thạc sĩ ít như vậy vì ban đầu, chuẩn đào tạo của giáo viên tiểu học chỉ là trung cấp sư phạm. Hiện hầu hết các giáo viên tiểu học huyện Tân Kỳ đã có bằng đại học” - ông Hoàng Đình Sơn cho biết.

Theo số liệu từ Sở GDĐT Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 13.454 giáo viên tiểu học, trong đó giáo viên có bằng thạc sĩ chỉ có 92 người, chiếm tỉ lệ 0,68%. Nguyên nhân tỉ lệ giáo viên thạc sĩ có bằng thạc sĩ quá thấp là do ban đầu, chuẩn đào tạo giáo viên bậc học này chỉ là trung cấp sư phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn