MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên phản ánh nhiều nội dung chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trùng với nội dung đào tạo tại các trường sư phạm. Ảnh: Hưng Thơ

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên: Học lại kiến thức cũ

QUANG ĐẠI LDO | 11/03/2021 18:42

Bên cạnh các kiến thức xa vời như “xây dựng thương hiệu nhà trường”, “hợp tác quốc tế”, chương trình bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp còn buộc giáo viên phải học những điều họ đã được đào tạo và đang thực hành thường xuyên.

Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (CCCDNN) giáo viên THPT hạng II ban hành theo Quyết định 2509/QĐ-BGDĐT ngày 22.7.2016 của Bộ GDĐT, gồm 240 tiết, có 10 chuyên đề.

Bên cạnh các chuyên đề kiến thức chung về nhà nước và pháp luật, chương trình tập trung vào các nội dung, công việc chuyên môn của giáo viên, cụ thể:

Tư vấn học đường cho học sinh THPT, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học và giáo dục trong trường THPT; Sử dụng thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; Hoạt động đánh giá kết quả học tập của học sinh THPT; Hoạt động của tổ chuyên môn trong trường THPT…

Cô Trần Thị Hà – giáo viên Toán bậc THPT tại Hà Tĩnh, cho biết: Các kiến thức về hành chính nhà nước chỉ có giá trị tham khảo, còn các nội dung khác trong chương trình bồi dưỡng CCCDNN giáo viên đã được đào tạo ở trường đại học, và đặc biệt đã thường xuyên áp dụng, thực hành thường xuyên, thành thục.

“Trong trường ĐH, chúng tôi đã được học các giáo trình về nhà nước và pháp luật, tâm lý học sư phạm, mục tiêu, chiến lược phát triển giáo dục, các kỹ năng của một giáo viên. Ngay từ khi mới ra trường, giáo viên đã phải lên kế hoạch giảng dạy, sử dụng thiết bị dạy học, công nghệ thông tin, kiểm tra đánh giá, tham gia sinh hoạt tổ chuyên môn...Tất cả đã được vận dụng thành thục và thường xuyên cập nhật” – cô Hà phân tích.

Mặt khác, theo nhiều giáo viên, các kiến thức, kĩ năng về chuyên môn nghiệp vụ nếu được bồi dưỡng thêm cũng tốt, nhưng phải là kiến thức-kĩ năng mới, cập nhật, phù hợp với thực tế và phù hợp với yêu cầu từng môn giảng dạy.

“Nội dung lý thuyết chung, chúng tôi có thể tự đọc, nghiên cứu. Cái chúng tôi cần là kiến thức, kĩ năng cho từng môn học, giải đáp các vướng mắc cụ thể phát sinh trong quá trình giảng dạy, giáo dục, học tập những kinh nghiệm, sáng kiến của đồng nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, lớp bồi dưỡng CCCDNN giáo viên không đáp ứng được yêu cầu này” – thầy Trịnh Thanh Đông – Giáo viên môn Ngữ Văn tại Nghệ An – chia sẻ.

Từ thực tế nêu trên, nhiều giáo viên kiến nghị xem xét bãi bỏ yêu cầu CCCDNN giáo viên, hoặc thay thế bằng các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, để nhà giáo có điều kiện cập nhật kiến thức, kĩ năng chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn