MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng chỉ thăng hạng: Giáo viên bức xúc vì học phí mất nửa tháng thu nhập

Bảo Hân LDO | 04/03/2021 14:44

Khoá học để có chứng chỉ phục vụ cho giữ hạng, thăng hạng giáo viên diễn ra trong 10 buổi học mà giáo viên phải nộp 2,5 triệu đồng là quá cao – một giáo viên cấp II gọi điện đến đường dây nóng của Báo Lao Động chia sẻ bức xúc.

Câu chuyện chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Đã có rất nhiều bình luận gửi tới sau mỗi bài viết của Báo Lao Động về vấn đề này. Không chỉ vậy, một giáo viên còn gọi điện đến đường dây nóng của Báo Lao Động để chia sẻ bức xúc trước những điều mình mắt thấy tai nghe về chứng chỉ phục vụ cho giữ hạng, thăng hạng này.

Gọi điện đến đường dây nóng Báo Lao Động, nữ giáo viên này cho biết mình là giáo viên cấp II.

“Tôi đang đi học để có chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp với giáo viên, chưa đóng học phí nhưng thấy thông báo là phải nộp 2,5 triệu đồng cho 1 khoá học với 10 chuyên đề tương đương với 10 buổi học” – giáo viên này chia sẻ.

Lương tháng của giáo viên này 5 triệu đồng, nên mức học phí này đã chiếm mất một nửa thu nhập của chị.

“2,5 triệu đồng là số tiền lớn đối với giáo viên chúng tôi. Thu nhập của cả gia đình tôi một tháng chỉ được khoảng 10 triệu đồng” - chị chia sẻ.

Nữ giáo viên cấp II này cho rằng, một người học tính ra một buổi chỉ hết 50.000 đồng, 10 buổi hết 500.000 đồng, cộng với tiền phụ phí khác hết khoảng 500.000 đồng nữa, nhiều nhất chỉ cần phải đóng 1 triệu đồng. Vì vậy, con số 2,5 triệu đồng là quá cao.

“Bản thân tôi là giáo viên, nếu đi dạy thêm 40-45 em thì một buổi chỉ được hơn 200.000 đồng, tính ra một buổi học, một học sinh chỉ cần đóng 10.000 đồng” – nữ giáo viên so sánh và đặt dấu hỏi, tổ chức dạy học chứng chỉ, mỗi giáo viên nộp 2,5 triệu đồng thì giảng viên được bao nhiêu, còn lại đi đâu?

Cùng với việc phản ánh học phí quá cao, nữ giáo viên này còn cho biết, các buổi học không có chất lượng, khâu quản lý lỏng lẻo.

“Lớp học đã được 3 buổi, nhưng tôi mới đi học được 1 buổi. Buổi đầu, thầy dạy chuyên đề về phần thanh tra, kiểm tra, trong khi tôi làm bên chuyên môn (giáo viên), thấy không cần thiết nên tôi không học. Buổi thứ 2 tôi xin nghỉ, còn buổi thứ 3, tôi nói thẳng là bận việc cá nhân nên không đi học. Tôi hỏi có điểm danh không, thì đồng nghiệp của tôi nói 1 người điểm danh cho cả 10 người cũng được”- nữ giáo viên chia sẻ.

“Nếu có phóng viên nào xuống, đóng vai học viên đi học thì sẽ tận mắt thấy cảnh học đúng như đi chợ.

Người thì nói chuyện, người thì xem điện thoại, người thì đi cà phê… Có nhiều yếu tố khiến học viên không muốn học, như: Thầy dạy không hấp đẫn đối với học viên; dạy những cái đối với học viên không cần thiết…” - nữ giáo viên chia sẻ qua điện thoại.

Theo chị, nhiều giáo viên khác không muốn đi học, nhưng không học thì bị tụt hạng, ảnh hưởng đến xếp lương giáo viên nên đành phải đi.

Tất cả 50 giáo viên trong trường giáo viên này đều đi học, chủ yếu là để giữ hạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn