MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán đã lao dốc mạnh trong tuần giao dịch vừa qua. Ảnh minh họa: Thế Lâm

Chứng khoán: Nhiều nhà đầu tư bị kẹp hàng “không thở được”

Thế Lâm LDO | 16/01/2022 11:12

Những ngày cuối tuần trên các nhóm, diễn đàn về chứng khoán online, nhiều nhà đầu tư tiếp tục chia sẻ những “đau thương” khi đang bị kẹp hàng không thể bán được những mã cổ phiếu vì hệ lụy từ vụ bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC và vụ bỏ cọc 600 tỉ đồng của Tân Hoàng Minh.

Nhà đầu tư N.M trên nhóm “Chứng khoán lướt sóng thần” cho biết, đã “đu đỉnh” mã cổ phiếu FLC khi ở mức giá 21.150 đồng. Như vậy, tính tới thời điểm kết phiên ngày 14.1 khi mã FLC giảm còn 16.100 đồng, nhà đầu tư này đã lỗ 5.050 đồng trên mỗi cổ phiếu, tương ứng mức lỗ gần 24% chỉ trong vài phiên. “Không thở được”, N.M viết.

Một nhà đầu tư khác nhận định, với mức giá mua đu đỉnh như trên thì chẳng biết bao giờ mới “về bờ” (trở về mức giá đã mua) được.

Trong một nhóm chứng khoán trên Zalo, nhà đầu tư L.T.C chia sẻ cho biết, đọc những dòng trạng thái của một nhà đầu tư khác mà cảm thấy nẫu ruột: “Các bác không bán được ROS (mã chứng khoán ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros) đừng buồn. Em hôm nay không bán được còn đặt nhầm lệnh mua cơ ạ. Nỗi buồn nhân đôi”.

Với những nhà đầu tư vào mã CII hay NBB cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Dù mức độ kẹp hàng không nhiều bằng các mã FLC, ROS… nhưng khối lượng bị kẹp cũng lên đến từ hàng trăm nghìn đến cả chục triệu cổ phiếu.

Riêng nhà đầu tư đang ôm mã CII còn thêm nỗi lo là doanh nghiệp niêm yết mã này đã đăng ký bán ra hơn 44 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian tới từ ngày 24.1-22.2.2022, sẽ càng khiến giá cổ phiếu CII có nguy cơ tiếp tục kéo dài mạch giảm sâu. Và theo đó, những nhà đầu tư đã và đang ôm cổ phiếu CII có thể tiếp tục bị bốc hơi tài khoản chưa biết đến bao giờ mới có điểm dừng.

Có thể nói, vụ việc bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC và vụ bỏ cọc của Tân Hoàng Minh đang gây ra những hệ lụy cho thị trường chứng khoán và bất động sản chưa thể lường hết được cho dù cơ quan quản lý bước đầu đã thực thi một số chế tài (đối với vụ việc bán “chui” cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết) khá là mạnh mẽ và kiên quyết.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, thiệt hại của những nhà đầu tư do bị hệ lụy từ 2 vụ việc trên ai phải chịu trách nhiệm? Và liệu các nhà đầu tư bị thiệt hại có được đền bù, bồi thường hay không dù họ làm ăn một cách đường đường chính chính và đúng luật?

Trong tuần giao dịch vừa qua, những cổ phiếu thuộc “họ” FLC và một số cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ các cuộc đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm (TPHCM) lao dốc không phanh và mất thanh khoản nặng. Tuy nhiên ngoài ra, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản trên thị trường chứng khoán dù không được hưởng lợi gì từ vụ đấu giá đất ở thủ Thiêm cũng đã và đang bị “vạ lây”.

Thị trường chứng khoán có tính hiệu ứng tâm lý lan truyền, cái sai hay chiêu trò của một cá nhân, doanh nghiệp có thể khiến cả thị trường phải trả giá, và mức độ thiệt hại hoàn toàn có thể đo đếm được nếu tính từ mức giảm của chỉ số VN-Index, HNX-Index cũng như mức giảm giá của nhiều cổ phiếu bị tác động.

Và thật không công bằng khi thị trường chung hay một vài nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán phải gánh thiệt hại từ một vài cá nhân, doanh nghiệp gây ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn