MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh 9 đinh ghim găm vào sọ cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất. Ảnh: BVCC

Chung tay bảo vệ trẻ em sau vụ bé gái 3 tuổi bị nhiều đinh găm vào đầu

ANH THƯ LDO | 21/01/2022 12:48
Liên tiếp những vụ việc trẻ em bị bạo hành từ mẹ kế của bố, người tình của mẹ đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh bảo vệ trẻ em mạnh mẽ hơn.

Vụ việc một bé gái 8 tuổi ở TP.Hồ Chí Minh tử vong do bị mẹ kế bạo hành khiến dư luận chưa hết bàng hoàng.

Mới đây, một bé gái Đ.N.A (3 tuổi) ở Thạch Thất (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, có nhiều đinh cắm trong não khiến cộng đồng sửng sốt.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ hình sự đối với đối tượng Nguyễn Trung Huyên - người tình của mẹ cháu A về hành vi giết người.

Nguyễn Trung Huyên bị điều tra hành vi Giết người khi nhiều lần bạo hành bé gái 3 tuổi - con riêng của bạn gái.

Cháu bé 8 tuổi ở TP.Hồ Chí Minh hay cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội đều bị những "người mới" của cha và mẹ nhiều lần bạo hành. Những tổn thương của trẻ em phải chịu đựng sau cuộc ly hôn của cha mẹ đã hiện hữu.

Trước vụ việc trên, bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - cho hay, tình trạng ly hôn, ly thân ở nước ta ngày càng cao. Không phải tất cả những vụ ly hôn thì trẻ em đều có nguy cơ bị bạo lực. Nhiều cặp vợ chồng không có chung tiếng nói, chia tay nhưng cùng chung tay chăm sóc con cái rất tận tình.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định, gần đây một loạt các vụ bạo hành trẻ em gây rúng động dư luận như ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Khi ly hôn, họ trao con bố hoặc mẹ nuôi dưỡng.

"Nhưng việc ăn ở như vợ chồng của những trường hợp trên đã xảy ra vụ việc rất đau lòng. Đây là hồi chuông cảnh báo cho những người đã có gia đình cũng như chưa có gia đình khi kết hôn phải tìm hiểu cho thấu đáo" - bà Hồng nói.

Trong quá trình chung sống, giữa hai người nảy sinh mâu thuẫn. Nếu cha mẹ ly hôn, người chịu áp lực nhất là những đứa con. Bà Hồng cho rằng, với bố mẹ là người trưởng thành sẽ tìm được hành phúc mới. Nhưng cháu bé để lại trong đầu những vết thương khó lành.

Để đẩy lùi tình trạng bạo lực với trẻ em, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, các gia đình có thành viên bị ly hôn như ông bà, chú bác… đều phải quan tâm đến con em. Những người thân hết sức chú ý để thăm hỏi, tiếp xúc với các cháu đánh giá xem việc chăm sóc ổn không? Việc trò chuyện với các cháu phải tế nhị, khéo léo.

Bên cạnh đó, cộng đồng ở xung quanh cũng cần có sự nhạy cảm hơn, khi thấy biểu hiện bất thường cần có thông báo đến cơ quan liên quan để can thiệp kịp thời.

Bà Hồng cho rằng, mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau, song yêu cầu chung bố mẹ phải nhìn nhận, quan tâm đặc biệt đến con em mình. Dù hạnh phúc mới vẫn phải bảo vệ trẻ em.

Liên quan đến vụ việc cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội có 9 vết đinh trên đầu, bà Hồng cho rằng: "Dư luận và tôi cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người mẹ trong vụ việc này. Trong thời gian ngắn con bị hành hạ như vậy, người mẹ liệu có vô can? Câu hỏi này sẽ được phía cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc điều tra".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn