MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ chó lao vào đánh người cha sau khi người này đẩy con chó không rọ mõm ra xa để bảo vệ con mình hồi tháng 3.2023. Ảnh cắt clip vụ việc ở một chung cư tại quận 7, TPHCM

Chuyện chó mèo ở chung cư

Minh Anh LDO | 08/04/2024 10:26

Tôi từng ở một chung cư, có thể coi là hạng sang ở quận Hà Đông (Hà Nội) và từng chứng kiến nhiều loại chó cảnh từ to như con bê đến bé xíu chỉ hơn một cân trong thang máy hay tung tăng trong sân chơi của trẻ em chung cư. Và không dưới một lần, ngay ở group của chung cư trên mạng xã hội đã dấy lên tranh luận: Có cho cư dân chung cư nuôi chó mèo hay không?

Câu chuyện về người chủ nuôi tới 19 con chó tại một chung cư ở TPHCM gần đây lại xới lên vấn đề này. Các quy định không cấm nuôi chó mèo nhưng ở chung cư - nơi có một cộng đồng khá đặc biệt, không gian sinh sống giới hạn lại là chuyện khác. Các quy định về nuôi thú làm cảnh cũng không ít. Chẳng hạn: Theo quy định tại khoản 2.1 mục 2 Phụ lục 15 Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT thì người nuôi chó mèo phải tuân thủ quy định như: Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; Chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

Nhưng trong Luật Chăn nuôi, Luật Nhà ở hay Nghị định về các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thì việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình lại ghi rõ ở điểm b khoản 1 Điều 7: Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Hay Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tiêm phòng vacine phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Nuôi chó mèo là sở thích, nhu cầu của không ít người, nhưng việc tuân thủ các quy định lại ít được quan tâm.

Loài gây thương tích cho người chủ yếu là chó

Mới đây nhất, tại TPHCM, vụ việc cô gái nuôi 19 chú chó bị đuổi khỏi chung cư ở Quận 7 đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, số người tiêm vaccine ngừa dại 2 tháng đầu năm 2024 là 19.552 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (là 18.810 người). Trong đó, loài vật gây thương tích cho người chủ yếu là chó chiếm 74,8%, tiếp đến là mèo 20,5%. Đa số hơn 60% là vết thương ở mức độ III (vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở). Qua số liệu thống kê, TPHCM có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi tại gần 106.000 hộ. Sở NNPTNT TPHCM vừa xin ý kiến thành phố xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố. Theo đó, chủ vật nuôi chó, mèo phải kê khai trong vòng 3 ngày sau nhập về nuôi, đồng thời kê khai định kỳ 2 lần/năm, không để chó, mèo tấn công người, không được để chó, mèo gây ồn ào. Minh Tâm - Thanh Chân

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn