MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân làm thẻ căn cước công dân gắn chip tại Hà Nội. Ảnh: V.Dũng.

Chuyển đổi số sang thẻ căn cước gắn chip: Thiết thực, tiện ích cho dân

Thế Lâm LDO | 17/03/2021 18:26
Thẻ căn cước công dân gắn chip (thẻ căn cước mới) đang được triển khai cấp mới và đổi cho người dân tại nhiều tỉnh thành. Theo kế hoạch của Bộ Công an, tới ngày 1.7.2021 sẽ hoàn tất việc làm thẻ cho 50 triệu công dân.

Chuyển đổi số trên thẻ

Đa phần người dân Việt Nam đủ tuổi làm giấy tờ tùy thân trong hàng chục năm trở lại đây trải qua 3 thời kì thẻ/giấy: Thế hệ đầu tiên là giấy chứng minh nhân dân 9 số, thế hệ thứ hai là thẻ chứng minh nhân dân 12 số bằng nhựa với kích cỡ nhỏ chỉ bằng khoảng 1/2 giấy chứng minh nhân dân trước đó, và gần đây nhất là thẻ căn cước công dân 12 số cũng bằng nhựa có kích cỡ tương tự thẻ chứng minh nhân dân 12 số.

Trên thẻ chứng minh nhân dân và thẻ căn cước công dân 12 số, nét mới là có thêm mã vạch 2 chiều PDF147. Khi cần kiểm tra thông tin, chỉ cần đưa thẻ lên các loại máy quét mã vạch 2D là có thể biết được ngay những thông tin cá nhân như họ và tên, năm sinh, quê quán, địa chỉ.... Mã vạch này giúp giảm bớt giấy má, thủ tục kê khai lại thông tin trong nhiều trường hợp đi làm các loại giấy tờ, hồ sơ.

Tuy nhiên, khả năng lưu chứa dữ liệu của thẻ căn cước công dân mã vạch rất hạn chế. Hay có thể nói, mã vạch mới chỉ có thể số hóa những thông tin cơ bản của cá nhân chứ không thể lưu trữ được lượng dữ liệu lớn về cá nhân đó như liên quan đến thuế, bảo hiểm, giấy đăng kí xe…, đặc biệt là những loại dữ liệu về hình ảnh cần bộ chứa có dung lượng lớn.

Với thẻ căn cước công dân gắn chip đang được Bộ Công an triển khai cấp mới và thay thế, vấn đề trên được giải quyết. Theo thạc sĩ Ngô Đức Hoàng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, khả năng lưu chứa dữ liệu của thẻ gắn chip lớn hơn rất nhiều, có độ mở, và còn có ưu điểm là truy xuất dữ liệu nhanh hơn, khả năng bảo mật cao hơn và khó bị xâm nhập và làm giả.

“2 mũi giáp công” dữ liệu số

Cũng theo ông Ngô Đức Hoàng, việc Việt Nam triển khai cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân sẽ nâng mức độ ứng dụng công nghệ của thẻ căn cước công dân tại nước ta lên ngang với nhiều quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, tới ngày 1.7 khi Việt Nam có khoảng 50 triệu công dân được cấp thẻ căn cước gắn chip, cũng đúng vào thời điểm dự kiến hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thiện và tích hợp.

Qua đó, dự án căn cước công dân gắp chip kết nối vào sẽ tạo nên “2 mũi giúp công” dữ liệu số có tính đồng bộ cao hơn, thuận lợi không chỉ cho công tác quản lí dân cư mà còn thuận tiện cho người dân sau này khi đi giải quyết các thủ tục hành chính. Khi đó, người dân sẽ không cần phải mang theo các loại giấy tờ rườm rà như hiện nay mà chỉ cần trình thẻ căn cước công dân gắn chip để tra cứu thông tin và hoàn tất thủ tục.

Tính tới thời điểm này, việc triển khai thẻ căn cước công dân gắn chip có thể xem là cuộc chuyển đổi số về thông tin, dữ liệu cá nhân qui mô nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, và mang tới nhiều tiện ích cho cả cơ quan quản lí và người dân.

Tại một số quốc gia, thẻ căn cước công dân gắn chip còn được gọi là thẻ công dân điện tử (e-ID), có thể tích hợp vào thêm rất nhiều dịch vụ, tiện ích như tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, ví điện tử…

Với người dân Việt Nam, việc đi làm các thủ tục hành chính chỉ cần mang theo một chiếc thẻ nhỏ gọn chính là cuộc cải cách thủ tục hành chính lớn nhất và thiết thực nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn