MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà "khủng" bên trong khu nhà xưởng tại Cụm làng nghề Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: PV

“Chuyện lạ” ở Thường Tín: Nhà kiên cố “mọc” trong Cụm làng nghề Văn Tự

Nhóm phóng viên LDO | 28/12/2021 13:19

Hà Nội - Theo phản ánh của bạn đọc, hiện nay tại Cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội (Cụm làng nghề) có tình trạng xây nhà kiên cố lẫn trong nhà xưởng. Qua ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Lao Động, sự việc trên là có và chính quyền địa phương cũng biết nhưng không có biện pháp xử lý triệt để. 

Nhà kiên cố "núp bóng" xưởng sản xuất

Theo tìm hiểu của phóng viên, Cụm làng nghề được thành lập theo Quyết định số 2417/QĐ-UBND ngày 30.5.2011 của UBND TP.Hà Nội. Việc xây dựng Cụm làng nghề  nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất về gỗ, cơ khí và các loại hình dịch vụ phụ trợ của các hộ dân trong huyện; giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Ngày 31.10.2016, UBND TP.Hà Nội có quyết định số 5959/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Cụm làng nghề tại thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự; nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Hoàng Tín và Công ty Cổ phần Giao thông Hồng Hà (Công ty Hoàng Tín được uỷ quyền là thành viên đứng đầu liên doanh). Tổng diện tích đất của Cụm làng nghề khoảng 73.683m2, trong đó đất sản xuất diện tích hơn 42.736m2 (chiếm 58%) là khu đất nhà xưởng, văn phòng điều hành kết hợp cửa hàng giới thiệu sản phẩm; diện tích nhà xưởng từ 300m2 đến 500m2.

Tiếp đó, ngày 6.12.2018, UBND TP.Hà Nội có Quyết định số 6642/QĐ-UBND về việc cho liên doanh trên thuê hơn 1.259m2 (giai đoạn 2) để thực hiện đầu tư xây dựng Cụm làng nghề… 

Sau đó, diện tích đất trong Cụm làng nghề được chia thành: 86 lô đất nhà xưởng, có diện tích 300-500m2; nhà điều hành, khu xử lý nước sạch, khu xử lý nước thải và các hạng mục cấp điện, giao thông, vỉa hè, cây xanh…

Sau khi được cấp phép hoạt động chủ đầu tư tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, mời các nhà đầu tư thứ cấp - là các hộ dân trong xã Văn Tự, huyện Thường Tín thuê các lô đất để di dời nhà xưởng vào Cụm làng nghề hoạt động; thời gian thuê đất là 50 năm.

Trong quá trình xây dựng công trình, nhiều hộ dân đã “tranh thủ” xây nhà kiến cố lẫn trong nhà xưởng, và biến đất dùng xây nhà xưởng thành nhà dân sinh kiên cố nhiều tầng… điều này gây bức xúc trong dư luận.

Một công trình xây dựng nhà kiên cố tại Cụm làng nghề Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: P.V 

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay tại Cụm làng nghề đã có gần 30 công trình nhà ở kiên cố “lộ thiên” hoặc núp sau nhà xưởng đã được đưa vào sử dụng và đang hoàn thiện. 

Nhiều nhà đầu tư thứ cấp khi dựng nhà kiên cố đã “che mắt” cơ quan chức năng và người dân bằng cách lợp xưởng mái tôn đằng trước trong đó bày nguyên liệu sản xuất, phía sau xưởng tôn là nhà kiến cố cao tầng, có kiến trúc như biệt thự tại các khu đô thị hiện đại… 

Nếu thoáng qua, nhiều người lầm tưởng Cụm làng nghề là khu nhà ở đô thị, đông dân cư.

Một công trình xây dựng kiên cố tại Cụm làng nghề đang gấp rút hoàn thiện. Ảnh: P.V 

Lỗi là của nhà đầu tư thứ cấp?

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Trọng Đô - Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thường Tín cho hay, tại Khoản 2, Điều 23, Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25.5.2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có nêu: “Các công trình xây dựng trong cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và được thẩm định thiết kế thì được miễn phép xây dựng. Do nhà đầu tư thứ cấp không hiểu rõ về thủ tục dẫn đến có thiếu sót trong việc lập hồ sơ thiết kế xây dựng công trình để các cơ quan chức năng phê duyệt dẫn đến tình trạng xây nhà kiên cố trong Cụm làng nghề”.

Ông Nguyễn Trọng Đô - Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thường Tín. Ảnh: P.V 

Phóng viên đặt câu hỏi, chính quyền cho thuê đất làm Cụm làng nghề để chủ đầu tư xây dựng nhà xưởng, tuy nhiên tại xảy ra tình trạng nhà đầu tư thứ cấp xây nhà kiên cố núp sau nhà xưởng đã và đang diễn ra, tại sao Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thường Tín không có biện pháp xử lý? Ông Đô lý giải, do nhu cầu sử dụng, nên các nhà đầu tư thứ cấp lén lút xây dựng, quây tôn bên ngoài nên cơ quan chức năng khó phát hiện. Khi cán bộ xuống làm việc thì chủ đầu tư cho rằng họ chỉ xây nhà trưng bày sản phẩm, chứ không phải nhà ở. Từ cuối năm 2019 đến nay, có 27 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà xưởng và nhà trưng bày trong Cụm làng nghề. Những trường hợp này, Đội đã báo cáo với UBND huyện Thường Tín để có biện pháp xử lý.

Và để xác định rõ các chủ đầu tư thứ cấp có vi phạm hay không, ông Đô đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố có hướng dẫn chi tiết về thẩm quyền thẩm định thiết kế công trình của nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trong Cụm làng nghề; hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục cấp phép xây dựng đối với công trình xây dựng của chủ đầu tư thứ cấp trong Cụm làng nghề…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn