MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hoạt động biểu diễn đường phố ở phố đêm Hai Bà Trưng (TP. Huế) trong tối khai trương. Ảnh: Phúc Đạt.

Chuyện phố đêm ở Huế

PHÚC ĐẠT (THỰC HIỆN) LDO | 30/03/2023 11:34

HUẾ - Theo ông Trần Đình Hằng - (Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế), Huế cần có thêm nhiều không gian đặc hữu, đa chức năng hơn nữa, nhất là trong việc đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của người dân Huế và du khách. Vấn đề đặt ra là các không gian đó phải được định hình trên tính đặc hữu vốn có, mang lại sức sống đặc trưng, như chuyện phố đêm

Theo ông, Huế có lợi thế gì để phát triển phố đêm theo hướng riêng và không rập khuôn những địa phương khác?

- Du khách luôn có nhu cầu ngắm cảnh và xâm nhập/khám phá những nét khác biệt, mới lạ của điểm đến. Tính đặc hữu và hệ giá trị đặc trưng đó được hiển hiện trong từng di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể), làm nên sức hấp dẫn đặc biệt, mang lại cảm giác mới lạ và phần lớn du khách đều dành hết thời gian, tiền bạc để thăm thú, thưởng thức và mua sắm những sản phẩm đặc trưng đó.

Cho nên phương châm cốt lõi của người làm kinh tế du lịch là níu giữ khách ở lại lâu nhất, với hiệu suất cao nhất từ sự hợp lý của các điểm đến, và nhất là phải tiêu tốn nhiều tiền nhất mà vẫn luôn hài lòng.

Thành phố Kinh đô - Cố đô Huế bao chứa nhiều di sản độc đáo về ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, diễn xướng, là những phong vị chính ở khu phố đêm.

Phố đêm là không gian đặc hữu để đưa các di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch, phục vụ người dân và du khách. Điều đó càng ý nghĩa với Huế - thành phố Festival, vận hành trong thị trường theo lý thuyết marketing, phù hợp xu hướng phát triển du lịch hiện đại.

Phố đêm Huế cần phát triển những sản phẩm gì để thực sự thu hút du khách, có hiệu quả kinh tế cho ngành du lịch?

- Mô hình khu du lịch phố đêm - Night Bazaar (Thái Lan) với vai trò khu trung tâm cho du khách khám phá, mua sắm, tìm thấy những nét riêng của điểm đến. 

Từ đây, nó còn được bổ sung bởi nhiều vệ tinh là các di sản, làng nghề thủ công truyền thống, làng du lịch đầy chất hoang sơ, nguyên thuỷ ở xung quanh.

Kinh đô Huế có nhiều quan xưởng, tập trung tinh hoa nghệ nhân cả nước. Hiện nay, cần mời gọi, đầu tư phục hồi di sản ngành nghề thủ công cao cấp để đáp ứng nhu cầu bức thiết trong nghiên cứu, trùng tu và phục vụ du khách theo phân khúc thị trường khắt khe.

Chốn kinh sư, xứ thiền kinh, định hình nên di sản ẩm thực độc đáo, cũng là tài nguyên vô tận cho việc chuyển hóa thành nhiều sản phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu nghiên cứu, học thuật, y lý lẫn phát triển du lịch dịch vụ.

Định vị phố đêm cần bảo đảm các yếu tố căn bản của thị trường theo lối tiếp thị dịch vụ tổng hợp, gồm: Sản phẩm, giá cả, thúc đẩy hoạt động buôn bán, vị trí. Từ đây, có thể bổ sung ba yếu tố quan trọng khác là con người (chủ thể trực - gián tiếp sản xuất, vận chuyển, bán hàng), quy trình (thủ tục, quy trình hoạt động), bằng chứng cụ thể (để thêm sức thuyết phục). 

Theo ông, từ chuyện phố đêm, cần lưu ý điểm nào trong chiến lược bảo tồn và phát triển văn hóa Huế trên nền tảng tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa đặc hữu Cố đô Huế?

- Kiểm kê, định vị tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa đặc trưng để có phương án bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp, gắn liền mục tiêu - chức năng nghiên cứu khoa học, giáo dục, trùng tu tôn tạo, phát triển sản phẩm theo các phân khúc thị trường phù hợp nhu cầu xã hội.

Khu phố đêm luôn nằm trong một chỉnh thể liên hoàn với nhiều di sản, không gian văn hóa và du lịch, tạo sự tập trung, thuận lợi cho du khách tiếp cận điểm đến với nhiều tiện ích, đặc biệt từ ba thành tố cơ bản là khu mua sắm, khu chợ đêm và khách sạn.

Dòng người chen chúc về phố đi bộ Hai Bà Trưng trong tối khai trương (26.3). Ảnh: Phúc Đạt.

Điểm mấu chốt là sản phẩm phong phú, khả năng thu hút du khách từ quy trình sản xuất, cảnh quan hài hoà, con người thân thiện - sứ giả văn hóa, với giả cả hợp lý, luôn làm hài lòng du khách.

Trên khung sườn căn bản đó, tùy định hướng chiến lược và thế mạnh đặc trưng mà số lượng, cấu trúc, chức năng và tính chất khu phố đêm ở địa phương được định hình, hướng tới xây dựng, phát triển, trở lại thúc đẩy bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Phố đêm ở Khu phố Tây là một thử nghiệm đầu tiên đáng ghi nhận, rồi Phố đêm Hoàng thành như đúng tên gọi của nó, thuần túy mang tính đặc hữu của một phố đêm trong không gian Đại Nội cổ kính, là một cuộc thử nghiệm đầy táo bạo tiếp theo.

Cũng xin nhắc lại vấn đề then chốt là chủ thể di sản và sinh kế di sản: Ai bán, bán cái gì và bán cho ai? Như một gánh bánh bèo - nậm - lọc, ngoài chuyện sinh kế, còn là chuyện kinh tế và trao truyền di sản, từ gia đình cho đến vỉa hè, chợ ngày lẫn chợ đêm.

Hội chứng phố đêm tràn lan và hệ quả là hiệu ứng “đầu voi đuôi chuột” cũng phổ biến, gây lãng phí ngân sách và nguồn lực xã hội là điều vô cùng đáng tiếc, cần được cảnh tỉnh nghiêm khắc để mạch nguồn kinh tế - văn hóa luôn được trao truyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn