MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có được cử viên chức đang giữ chức vụ lãnh đạo đi biệt phái?

HẠNH AN LDO | 21/04/2024 17:49

Theo Bộ Nội vụ, việc biệt phái viên chức làm công việc ở vị trí việc làm của công chức phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.

Bà Nguyễn Thị Mai (tên bạn đọc được thay đổi) hiện là viên chức Nhà nước công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giao thông Vận tải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Do nhu cầu công việc, hiện tại, Sở này dự kiến biệt phái bà Mai lên Phòng chuyên môn để làm nhiệm vụ “hỗ trợ công việc chuyên môn”.

"Tôi được Giám đốc Sở quyết định tuyển dụng vào làm viên chức, không phải do Giám đốc đơn vị sự nghiệp công lập, nơi tôi đang công tác tuyển dụng. Do vậy, khi Giám đốc Sở quyết định biệt phái tôi lên phòng chuyên môn để làm nhiệm vụ hỗ trợ công việc chuyên môn thì có đúng quy định hay không?" - bà Mai thắc mắc.

Ngoài ra, bà Mai còn băn khoăn, hiện tại, bà đã được Giám đốc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng. Nếu bà được Giám đốc Sở biệt phái lên Phòng chuyên môn thì bà có còn được giữ chức vụ lãnh đạo cấp Phòng ở đơn vị hay không.

Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ cho biết, căn cứ Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 7.12.2023 của Chính phủ sửa đổi Điều 27 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì thẩm quyền biệt phái viên chức được quy định như sau:

Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quy định tại Điều 7 Nghị định này quyết định việc biệt phái viên chức.

Việc biệt phái viên chức làm công việc ở vị trí việc làm của công chức phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.

Trình tự, thủ tục biệt phái viên chức được quy định như sau:

Bước 1: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận viên chức biệt phái;

Bước 2: Gặp viên chức để trao đổi về chủ trương biệt phái và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;

Bước 3: Trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Do đó, trong trường hợp này, Giám đốc Sở có thẩm quyền quyết định việc biệt phái viên chức và việc biệt phái viên chức làm công việc ở vị trí việc làm của công chức phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức. Viên chức biệt phái được hưởng quyền lợi quy định tại Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 36 Luật Viên chức.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái có chế độ, chính sách đặc thù thì ngoài lương và các quyền lợi khác do cơ quan, đơn vị cử viên chức biệt phái chi trả, viên chức còn được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù do cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi nhận biệt phái chi trả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn