MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì bị giữ tiền lương?

Nam Dương LDO | 01/03/2021 19:00
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn.

Bạn đọc có email quochungxxx@gmail.com gửi thư đến Báo Lao Động phản ánh: Do thay đổi chỗ ở, đường đến công ty đi làm xa, nên tôi muốn xin nghỉ việc. Giám đốc yêu cầu tôi muốn nghỉ việc thì phải báo trước 45 ngày. Tôi chưa viết đơn xin nghỉ việc thì giám đốc chỉ đạo bộ phận kế toán giữ lương tháng 1, không trả cho tôi với lý do đợi khi bàn giao có thất thoát gì thì sẽ trừ vào lương. Tôi có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?

Luật sư Nguyễn Hữu Học (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ 1.1.2021), người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này.

b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này.

...

Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định về kỳ hạn trả lương như sau:

1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy, nếu công ty không thuộc trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn, thì phải trả lương đúng hạn cho người lao động.

"Trường hợp công ty vi phạm về thời hạn trả lương, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định trên. Tuy nhiên, trước khi nghỉ, bạn nên gửi thông báo cho công ty nêu rõ sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do không được trả lương đúng hạn" - luật sư Học nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn