MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người phụ nữ bị kéo lê ở công trường. Ảnh cắt từ clip trên mạng xã hội

Có giả danh công nhân trong vụ kéo lê người phụ nữ ở công trường?

Xuân Hùng LDO | 22/02/2022 19:03

Thanh Hoá - Cuối cùng, UBND huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá cũng có thông tin chính thức về vụ xô xát giữa một nhóm phụ nữ và hàng chục người đàn ông mặc trang phục công nhân. Tuy nhiên đằng sau sự việc này hãy còn nhiều ám ảnh, cần có câu trả lời thoả đáng.

Ám ảnh

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh một nhóm phụ nữ đang la hét, người đứng, người nằm tại một công trường. Xung quanh có hàng chục nam giới trong trang phục công nhân với áo xanh bên trong, áo vàng phản quang bên ngoài tay cầm dùi cui. Nhóm nam giới cố xô đẩy những người phụ nữ này ra khỏi công trường xây dựng. Đáng chú ý, khoảng 3-4 phụ nữ không mặc áo dài mà chỉ mặc áo ngực. Sau một hồi giằng co, một phụ nữ chỉ mặc áo con bị nhiều thanh niên kéo lê đoạn dài trên nền cát.

Ông Lê Thanh Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), xác nhận vụ việc trên xảy ra tại công trường xây dựng của một dự án du lịch ở địa phương.

Sự việc trên để lại nhiều ám ảnh. Đầu tiên là ám ảnh về hình ảnh những người phụ nữ bán khoả thân bị kéo lê trên nền cát. Theo công văn số 358 ngày 21.2.2022 của UBND huyện Hoằng Hoá, sự việc cơ bản do gia đình ông Trần Văn Lanh đòi hỏi quyền lợi về đền bù không đúng quy định. Dù vậy hình ảnh những người phụ nữ trong gia đình ông Lanh bị xúc phạm, lôi xềnh xệch dưới nền cát thật sự hết sức phản cảm.

Việc giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội luôn gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều vấn đề nan giải, đau đầu đối với chính quyền địa phương vì thực tế còn nhiều bất cập trong việc giải quyết hài hoà quyền lợi của người dân với doanh nghiệp khi giải phóng mặt bằng, đặc biệt trong việc đền bù về đất.

Tuy nhiên, chúng ta đã có quy định, quy trình trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng, trong đó có giải thích, tuyên truyền, vận động. Nếu người có đất bị thu hồi phản ánh đúng cần xem xét lại, nếu cố tình cản trở, vi phạm pháp luật thì tiến hành cưỡng chế, xử lý theo quy định pháp luật.

Bất kỳ dự án nào, trong dự án này cũng vậy, chính quyền địa phương có hội đồng giải phóng mặt bằng, có các lực lượng đảm bảo việc giải phóng mặt bằng cũng như thi công được thực hiện đúng yêu cầu, đúng pháp luật. Đáng lẽ việc xử lý tranh chấp, xô xát giữa các bên phải là các cấp chính quyền, là cơ quan chức năng, là lực lượng đảm bảo an ninh trật tự chứ không thể để 2 bên tự lột đồ, lôi người trên nền đất. Các cơ quan này của huyện Hoằng Hoá đang ở đâu khi để xảy ra sự việc?

Giả danh công nhân?

Theo công văn số 358 nói trên của UBND huyện Hoằng Hoá, khoảng chục người mặc áo xanh công nhân, ngoài áo dạ quang công trường, chân đi giày bata mới tinh, tay cầm dùi cui đe doạ, lôi kéo những người phụ nữ bán khoả thân là công nhân của đơn vị thi công.

Dư luận có quyền nghi ngờ về thông tin này của UBND huyện Hoằng Hoá. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá cần làm rõ nhóm người này thực chất là lực lượng nào? Họ có thực sự là công nhân của đơn vị thi công hay không? Nếu là công nhân thì họ có quyền tham gia trấn áp những người dân chưa đồng thuận giải phóng mặt bằng hay không? Để xảy ra việc này trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào?

Xã hội ta có pháp quyền, có trật tự; mọi tổ chức, cá nhân đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Đơn vị thi công không thể hành xử theo cách thuê một nhóm "dân xã hội" giả danh công nhân vào uy hiếp tinh thần, thân thể người dân dù phản ánh của họ đúng hay sai. Làm như vậy là xúc phạm, ảnh hưởng đến danh dự, phẩm chất tốt đẹp của những người công nhân, tạo cớ cho các phần tử xấu kích động, lôi kéo làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn