MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức thưởng tết cho giáo viên thường tùy vào quỹ phúc lợi của từng trường (ảnh minh họa). Ảnh: Cường Ngô

Có hay không thưởng Tết cuối năm cho thầy cô?

Nguyễn Văn Lực - Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa LDO | 04/01/2021 16:31

Thông tư số: 71/2014/TTLT-BTC-BNV qui định về sử dụng kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được như sau: Kết thúc năm ngân sách, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có số chi thực tế thấp hơn số dự toán được giao về kinh phí thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí tiết kiệm.

Kinh phí tiết kiệm được sử dụng cho các nội dung sau: Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức và người lao động.

Như vậy, tiền thưởng Tết cho giáo viên là tiền thu nhập tăng thêm do tiết kiệm chi mà có. Thu nhập tăng thêm do tiết kiệm chi thường vào cuối năm âm lịch, nên giáo viên hay gọi “tiền thưởng Tết” là vậy và cũng chính vì vậy vào cuối năm âm lịch thầy cô đều mong chờ tiền thưởng Tết.

Tuy nhiên, việc thưởng Tết mỗi trường mỗi mỗi địa phương lại khác nhau, có trường tiền triệu, tiền trăm còn có trường không có đồng nào.

Vì sao lại như vậy? Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, hiệu trưởng là người chủ tài khoản quyết định việc chi tiêu theo kế hoạch chi tiêu nội bộ được thông qua trong hội nghị cán bộ công chức vào đầu năm học.

Có trường để giành một khoản kinh phí cố định 10% hoặc 20% để cuối năm thưởng cho giáo viên nên thầy cô rất phấn khởi, cũng có trường nếu cuối năm quyết toán thu - chi ngân sách có dư thì thưởng còn không dư thì xem như năm đó giáo viên “ngậm ngùi” nên nhiều thầy cô nói cuối năm có thưởng Tết hay không là tùy vào hiệu trưởng có khéo chi tiêu hay không là vậy.

Năm học vừa qua (2019-2020) tuy phải chi nhiều cho cơ sở vật chất nhưng cuối năm thầy cô Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hòa) vẫn được thưởng 2.400.000 đồng, tất cả đều vui mừng hớn hở có thêm chút tiền mua quà cho người thân…

Trong khi đó, đồng nghiệp tôi công tác ở trường phổ thông dân tộc nội trú Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) không nhận được đồng nào từ nhiều năm qua.

Đối với các trường ở miền núi thường là cơ sở vật chất thiếu thốn nên kinh phí phần lớn giành cho việc trả lương cho giáo viên, trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học, chi cho các hoạt động… nên kinh phí không có dư và thầy cô không biết tiền thưởng Tết là gì hay nói cách khác là không có “khái niệm” về tiền thưởng Tết. Do vậy, thầy cô công tác ở miền núi đã khó khăn càng thêm khó khăn mỗi khi xuân đến Tết về.

Thầy cô công tác ở miền xuôi thì may mắn hơn đồng nghiệp ở miền núi ít nhiều cũng có thêm tiền thưởng Tết để cái Tết thêm vui.

Do đó thưởng Tết cho thầy cô có hay không là phụ thuộc vào việc chi tiêu của từng trường, ngay trong cùng một địa phương nhưng có trường thưởng thấp, trường thưởng cao, trường... không có đồng nào là vậy!

Theo lãnh đạo một số trường, việc thưởng Tết cho giáo viên không phải là yêu cầu bắt buộc mà tùy vào mỗi trường, sau khi chi cho các hoạt động giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trả lương cho thầy cô giáo như nói trên, cuối năm nếu còn dư ít nhiều thì thưởng cho giáo viên, nếu không thì thôi. Dù biết là vậy, xong thật lòng thầy cô cũng chạnh lòng khi không có tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, nhiều thầy cô tâm sự niềm vui của họ chính là được xã hội tôn trọng "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy". Mong rằng truyền thống tốt đẹp ấy của dân tộc không bao giờ nhạt phai.

Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần có qui định chế độ thưởng Tết cho giáo viên, để khỏi tránh tình trạng trường có, trường không như hiện nay để tất cả thầy cô có cái Tết đúng nghĩa “Vui như ba ngày Tết”!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn