MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn nhà cấp 4 của gia đình chị Nguyễn Thị Thập bị cưỡng chế, giải tỏa. Ảnh: PV

Có hay không việc UBND phường Tứ Liên “đùng đùng” cưỡng chế nhà dân?

LÊ HOA LDO | 23/09/2017 06:37
Đồ dùng chôn vùi trong đống đổ nát, sách vở, quần áo mỗi thứ một nơi… đó là hình ảnh tan hoang sau khi căn nhà cấp 4 của gia đình chị Nguyễn Thị Thập (tổ 4, cụm 1, P.Tứ Liên, Q.Tây Hồ) bị phường Tứ Liên “bất ngờ” cưỡng chế vào ngày 8.9 vừa qua. Vài tuần trôi qua, 5 người trong gia đình chị Thập vẫn ngỡ ngàng không rõ lý do tại sao căn nhà sống ổn định gần 20 năm nay bỗng nhiên bị chính quyền địa phương cưỡng chế, không hề có thông báo trước?

Chính quyền địa phương có làm đúng quy trình cưỡng chế?

Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Thập tới Báo Lao Động, ngày 8.9 vừa qua, UBND phường Tứ Liên đến căn nhà gia đình chị đang sinh sống, yêu cầu gia đình chuyển hết đồ đạc ra ngoài và thực hiện cưỡng chế.

Trước sự việc trên, chị Thập rất bức xúc vì chính quyền địa phương không thông báo trước và cũng không nói lý do vì sao bị cưỡng chế, cũng như không đưa ra quyết định cưỡng chế.

Chị Thập cho biết, năm 2009, bà Trần Thị Giá (là xã viên Đội 3, HTX Nông nghiệp Liên Châu, phường Tứ Liên) có thửa đất vùng 11 (nay là tổ 4, cụm 1, P.Tứ Liên) có diện tích khoảng hơn 1.000m2 đất nông nghiệp, trong đó có căn nhà cấp 4, chuyển nhượng cho chị Thập sử dụng (việc chuyển nhượng chỉ có giấy tờ viết tay giữa bà Giá và chị Thập).

Sau khi tiếp nhận nhượng sử dụng đất từ bà Giá, chị Nguyễn Thị Thập tiếp quản và sử dụng căn nhà cấp 4 và chỉ cải tạo, không hề xây mới cho đến nay. Trong quá trình sinh sống tại căn nhà này, chính quyền phường có đến kiểm tra bình thường và không có vấn đề gì phát sinh, cũng như chị không nhận được bất cứ thông báo nào của chính quyền sở tại liên quan đến ngôi nhà này.

Điều chị Thập bất bình đó là cách hành xử, quy trình cưỡng chế của chính quyền địa phương đối với gia đình chị. Theo chị, trước khi phường cưỡng chế, gia đình chị không hề nhận được thông báo về việc cưỡng chế. Chỉ khi UBND phường mang theo máy móc cưỡng chế thì chị mới ngã ngửa. Từ đó đến nay, gia đình chị phải sống trong căn lều tạm tại chính khu đất vừa bị UBND phường Tứ Liên cưỡng chế.

Có minh bạch trong cưỡng chế nhà xây dựng lấn chiếm?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND phường Tứ Liên - cho biết, gia đình chị Thập xây nhà và sinh sống trái phép trên đất nông nghiệp tại tổ 4, cụm 1. Đây là đất “nhảy dù”, lấn chiếm, cho nên năm nào phía phường cũng phải can thiệp, xử lý rồi “đâu lại vào đó”.

Ông Quang khẳng định kết luận của Công an quận cho thấy những giấy tờ chuyển nhượng, mua bán đất từ bà Nguyễn Thị Giá cho chị Nguyễn Thị Thập đều tự dựng lên, giả mạo. Đối với trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Thập không còn dừng lại ở cưỡng chế mà là giải tỏa vi phạm việc xây dựng trên đất lấn chiếm. Không có chuyện chính quyền phường tự ý đến cưỡng chế mà không thông báo trước, trước đó phường đã dán thông báo yêu cầu các gia đình vi phạm sử dụng đất lấn chiếm đất đai.

Theo phản ánh của một số hộ dân có nhà bị cưỡng chế, trên phần đất cuối ngõ 76 An Dương do phường Tứ Liên quản lý, có rất nhiều nhà cũng xây dựng như họ nhưng lại không bị chính quyền xử lý.

Anh Đ.V.Q (người dân sinh sống tại cuối ngõ 76 An Dương) cho biết, gia đình chị Thập đã sinh sống ổn định từ năm 2009, nhưng bị cưỡng chế. Trong khi, một số hộ dân ở gần sát khu đất nhà chị Thập cuối ngõ 76 An Dương không bị xử lý. Phải chăng, phía phường Tứ Liên đang không minh bạch trong việc xử lý, giải tỏa nhà xây dựng trên đất lấn chiếm.

Trước phản ánh chính quyền địa phương không minh bạch, nơi xử lý, chỗ làm ngơ tại khu vực đất lấn chiếm, ông Nguyễn Văn Quang cho biết thêm, khu vực còn lại chưa xử lý do đây là đất xí nghiệp thương binh, tồn tại rất lâu. Tới đây, còn chỗ nào đất lấn chiếm, vi phạm chúng tôi sẽ xử lý nốt vì phường đã nhận được kế hoạch do quận Tây Hồ phê duyệt về việc giải tỏa vi phạm lấn chiếm đất đai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn