MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một ca ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: choray.vn.

Có hóa giải được tình trạng cứ đàm phán giá lại thiếu thuốc BHYT?

Thế Lâm LDO | 05/05/2022 13:25

Từ vụ thiếu một số thuốc BHYT cho bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) khiến nhiều người bệnh phải mua ngoài với chi phí tốn kém gấp nhiều lần, Bộ Y tế vừa có công văn nhắc nhở và đôn đốc việc đấu thầu thuốc.

Việc “hối thúc” là hoàn toàn cần thiết sau tình trạng thiếu một số thuốc BHYT cho bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Song vấn đề là, bệnh nhân BHYT không chỉ có ở Bệnh viện Chợ Rẫy, và cũng không chỉ có Bệnh viện Chợ Rẫy mới đang có bệnh nhân ghép thận tới khám chữa bệnh. Bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT trải rộng trên khắp các tỉnh thành. Chính vì thế, sự hối thúc, đôn đốc không phải đối với riêng một cơ sở khám chữa bệnh nào.

Câu hỏi đặt ra, có cách nào giải quyết tình trạng cứ đàm phán giá thuốc là bệnh nhân BHYT lại phải… chờ thuốc hay không?

Câu trả lời là có.

Thứ nhất là đòi hỏi sự chủ động một cách sớm sủa của các cơ sở khám chữa bệnh, sở y tế địa phương, và ngay cả chương trình đấu thầu thuốc cấp quốc gia tại Bộ Y tế.  Chủ động sớm sủa trên danh mục thuốc cần, trên những thứ thuốc đang sắp hết, và thậm chí cả những loại thuốc cần dự báo và đi trước một bước để phòng khi cần kíp phải dùng đến.

Đấu thầu thuốc sai quy trình, không đúng quy định, có thể thành tội và bị pháp luật xử lý nghiêm. Còn đấu thầu chậm, dẫn đến bệnh nhân BHYT thiếu thuốc phải mua ngoài với chi phí gấp cả trăm lần, lại không phải là một tội. Chính vì thế, không ít suy nghĩ rằng thà chậm nhưng an toàn, chi phối tại không ít nơi và đối với không ít người liên quan tới công tác đấu thầu thuốc.

Chúng ta đương nhiên là không khuyến khích hay “vẽ đường” cho sai phạm. Nhưng nếu chỉ làm lấy sự an toàn làm trên hết, tránh được tội cho mình thì lại quá tội cho bệnh nhân. Trong đó, không ít bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, một khi thiếu thuốc BHYT thì gánh nặng chi tiêu ngay lập tức ập lên đầu họ và người thân, sự khốn khó cũng lập tức vây hãm gia đình họ.

An toàn nhưng không thể thiếu sự linh hoạt và nêu cao tinh thần trách nhiệm vì người bệnh.

Bằng chứng là, sau khi tình trạng thiếu thuốc cho bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy được phản ánh thu hút sự quan tâm của dư luận, chính tại bệnh viện này các phương án, giải pháp linh hoạt đã được đưa ra để giải quyết vấn đề, như chuyển bệnh nhân tới một số bệnh viện có loại thuốc BHYT mà Chợ Rẫy đang thiếu, chuẩn bị hồ sơ mua sắm trực tiếp trước một lượng thuốc…

Như vậy có thể thấy, không phải là không có cách giải quyết để đỡ khổ cho bệnh nhân.

Vấn đề là, các phương cách linh hoạt được áp dụng giải quyết tình trạng diễn ra lúc nào – trước thời điểm người dân phải tốn hàng chục triệu đồng để mua thuốc bên ngoài thay vì chỉ phải trả vài trăm ngàn đồng theo chế độ BHYT, hay khi sự việc đã xảy ra và dư luận trở nên bức xúc…

Từ trường hợp thiếu thuốc BHYT cho bệnh nhân ghép thận tại Chợ Rẫy,  nhìn rộng ra, cần phải chủ động ứng phó, giải quyết để tránh xảy ra tình trạng cứ trong giai đoạn đàm phán giá thuốc thì lại thiếu thuốc cho bệnh nhân BHYT.   

Muốn thế, việc nêu cao tinh thần trách nhiệm và sự linh hoạt trong thẩm quyền, luật pháp cho phép cần được vận dụng một cách hiệu quả để đỡ khổ cho bệnh nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn