MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
một đối tượng làm giả chứng chỉ tin học, ngoại ngữ giả bị bắt giữ (Theo Báo Công an Nhân dân)

Có nên bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ?

Vĩnh Linh LDO | 08/01/2017 18:35
Thời gian gần đây, một số ngành, địa phương liên tục có các động thái buộc cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) phải có chứng chỉ này, văn bằng nọ, nhất là tin học, ngoại ngữ (THNN) như là điều kiện để được tiếp tục công tác, chuyển ngạch, nâng ngạch, đề bạt, bổ nhiệm...
Minh chứng là một số nơi đã lạm dụng quy định về điều kiện THNN buộc giáo viên chuyển ngạch phải có chứng chỉ THNN mới được cho chuyển ngạch. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn yêu cầu các địa phương không được bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ THNN mới được chuyển ngạch, chỉ trừ trường hợp thi/thăng hạng chức danh nghề nghiệp... 

Tương tự, trường hợp Hà Nội “bắt buộc” CBCC cấp xã, phường phải trải qua kỳ thi công nghệ thông tin, dẫn đến 444 trường hợp bỏ thi. Việc quy định như vậy là chưa hợp lý, vì CBCC cấp xã nhiều vị trí công việc không liên quan nhiều đến công nghệ thông tin như công an, quân sự... Ngoài ra, do lịch sử để lại mà nhiều người đã lớn tuổi nên khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, ngoại ngữ còn rất hạn chế, thậm chí là không thể.  

Có thể nói, việc khuyến khích CBCC phải có trình độ THNN, nhất là trong giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin và giao lưu quốc tế rộng rãi như hiện nay là rất cấp bách. Việc chuẩn hóa, nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ CBCC là hợp lý, cần phải tiến hành theo lộ trình, từng bước. Tuy nhiên, việc lạm dụng, thậm chí tâm lý “sính” THNN một cách thái quá để rồi buộc tất cả CBCC phải có chứng chỉ THNN trong một thời gian ngắn là chưa hợp lý. Bởi vì, không phải CBCC nào cũng cần sử dụng THNN trong công việc chuyên môn của mình, nhất là giáo viên không giảng dạy các môn THNN hay một số CBCC cấp xã.

Hiện nay, CBCC phải tham gia rất nhiều khóa học nào là học nghị quyết, chỉ thị, lý luận chính trị, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng, an ninh, đạo đức công vụ, văn hóa công sở… Thực tế, mỗi CBCC nếu tham gia đầy đủ các khóa đào tạo thì có thể có hàng chục chứng chỉ, văn bằng khác nhau. Nhưng điều đáng nói là rất ít trong số đó được áp dụng trong quá trình công tác, chủ yếu là học theo phong trào, học xong bỏ đấy.

Thêm vào đó là phải tham dự rất nhiều cuộc họp nên thời gian dành cho công tác chuyên môn, phục vụ nhân dân còn lại không nhiều. Đây là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, trục lợi cá nhân trong công tác đào tạo bồi dưỡng - đó là tình trạng các tập thể, cá nhân có thẩm quyền câu kết với các cơ sở đào tạo THNN để mở các lớp đào tạo theo kiểu “nộp tiền lấy chứng chỉ”, “học giả, bằng thật”, với mục đích moi tiền của CBCC và của nhà nước. Đó là chưa kể tình trạng chạy theo thành tích mà mở lớp tràn lan, số lượng nhiều nhưng chất lượng rất thấp.

Thiết nghĩ, mục đích cuối cùng của các cơ quan nhà nước, CBCC là phục vụ người dân. Vì vậy, việc bắt buộc CBCC phải tham gia quá nhiều khóa học nói chung, nhất là yêu cầu phải tham gia các lớp THNN là chưa hợp lý. Các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, bãi bỏ những chương trình đào tạo, bồi dưỡng không cần thiết, gây lãng phí ngân sách nhà nước, tốn kém thời gian, tiền bạc của CBCC. Điều này góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn của từng CBCC, đồng thời để họ có nhiều thời gian, toàn tâm, toàn ý phục vụ tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn