MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa cho rằng không nên chấp nhận đơn tố cáo đối với cán bộ đã nghỉ hưu. Ảnh: Đỗ Thơm

Có nên chấp nhận đơn tố cáo cán bộ về hưu, đơn gửi qua email?

QUANG ĐẠI LDO | 10/11/2017 13:30
Luật tố cáo sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận để thông qua, trong đó có nhiều vấn đề được đại biểu thảo luận gây chú ý như có nên tố cáo cán bộ nghỉ hưu, hay chấp nhận các hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, tin nhắn, email…

Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị không nên đưa diện cán bộ công chức đã nghỉ hưu vào diện điều chỉnh của luật.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không đồng tình với ông Ngô Tuấn Nghĩa. Bởi vì đối tượng tố cáo là những hành vi vi phạm pháp luật, không phân biệt quan chức hay dân thường, đương chức hay đã nghỉ hưu, và không có thời hiệu giải quyết như khiếu nại. Nếu loại trừ đối tượng cán bộ nghỉ hưu sẽ bỏ lọt tội phạm và không đúng tinh thần của luật, làm phát sinh tâm lý về hưu sẽ… hạ cánh an toàn.

Đối với trường hợp tố cáo qua điện thoại, tin nhắn, email, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Một bên cho rằng không nên chấp nhận, vì sẽ phát sinh tố cáo tràn lan, tố cáo mạo danh, nặc danh, lợi dụng tố cáo vì mục đích cá nhân, tố cáo sai sự thật… đến mức khó kiểm soát.

Phía ủng hộ cho rằng nên chấp nhận các hình thức tố cáo khác, ngoài hai hình thức đơn và trực tiếp, để tạo điều kiện thuận lợi cho người tố cáo, phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay.

Bản chất của tố cáo là thông tin về sai phạm, tội phạm, do đó việc tiếp nhận thông tin qua các kênh khác nhau là cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên, để bảo đảm thông tin có căn cứ, có giá trị giúp phát hiện, xử lý hành vi phạm pháp và tránh việc lợi dụng tố cáo, cần thiết phải có sự sàng lọc.

Khó khăn nói trên sẽ được giải quyết, nếu việc thực hiện đăng ký số điện thoại được triển khai triệt để, không còn hiện tượng sim rác. Email cũng vậy, có thể quản lý thông qua số điện thoại hoặc đăng ký của cá nhân. Vấn đề là chúng ta điều chỉnh kênh tiếp nhận để tạo điều kiện thuận lợi cho người tố cáo.

Hiện nay, nhiều người rất ngại, sợ tố cáo vì sẽ bị trù dập, trả thù. Cho dù luật nghiêm cấm tiết lộ thông tin người tố cáo, nhưng hầu như chưa có vụ nào mà người bị tố cáo không nắm được người tố cáo (trừ nặc danh, mạo danh). Người tố cáo còn mất thời gian, công sức làm việc với cơ quan chức năng, đã không được cảm ơn, còn có thể bị quy cho tội tố cáo sai sự thật, vu khống…

Vì vậy, cần sửa luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người tố cáo, có cơ chế hỗ trợ, khen thưởng, vinh danh người tố cáo đúng, giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý sai phạm, vi phạm pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn