MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có nên quá lo khi dòng người từ các tỉnh phía Nam tiếp tục hồi hương

Thanh Hải LDO | 04/10/2021 19:54

Từ sau khi nới giãn cách xã hội ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, dòng người hồi hương tăng mỗi ngày. Theo đó cũng dấy lên lo ngại về việc sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam khôi phục sản xuất. Điều đó đúng, nhưng không đến nỗi bi quan...

Minh chứng rõ nhất là tại Quảng Nam, nơi có hàng vạn lao động hồi hương kể từ đầu đợt dịch COVID-19 tháng 4 đến nay. Khi về quê, số lao động này đương nhiên thất nghiệp, tuy vậy, khi doanh nghiệp địa phương tuyển dụng thì phần lớn họ không muốn xin việc, đi làm tại quê nhà.

Theo Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam, ông Võ Văn Dũng, hiện các doanh nghiệp tỉnh này đang tuyển dụng 4.000 đến 5.000 vị trí công việc, nhưng vẫn không tìm được người đăng ký. Trong khi đó, số lao động từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch rất đông. Đây là một nghịch lý.

Khảo sát của Trung tâm dịch vụ việc làm tại 6 huyện thị ở Quảng Nam cho thấy, nhu cầu xin việc của những người hồi hương từ TPHCM về là rất ít. Trong số ít những người tìm việc cũng chỉ muốn làm tạm thời, bởi hết dịch họ lại vào TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp ở Quảng Nam không tuyển dụng lao động được như công việc, ngành nghề không phù hợp, nhiều người vướng sổ bảo hiểm xã hội tại nơi làm việc cũ nên doanh nghiệp ở quê không muốn nhận... Ngay số này cũng có nguyện vọng trở vào Nam khi dịch bệnh được kiểm soát, an toàn, nên doanh nghiệp tuyển dụng cũng sợ bị nhảy , bỏ việc.

Tương tự, tại Đắk Lắk, dòng người hồi hương cũng hơn 80.000 người, phần lớn trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, tổng số lao động tại 1 khu công nghiệp và hơn 10 cụm công nghiệp trên toàn tỉnh này chỉ... chưa tới 10.000 người. Có phát triển nhanh, tuyển dụng nhiều cũng không thể giải quyết hết lao động hồi hương. Chưa kể, ngay với số lao động tại chỗ, hiện nay Đắk Lắk vẫn chưa thể tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, giải quyết đủ các chính sách hỗ trợ, thì khó có thể "giang tay" để giúp lao động hồi hương. Phần lớn các lao động được hỏi đều cho biết chỉ muốn kiếm việc làm tạm thời, chờ khi dịch bệnh lắng xuống, các doanh nghiệp phía Nam hoạt động trở lại là họ sẽ quay trở lại miền Nam, quay lại chỗ làm cũ.

Ngoài ra, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... là vùng đất mà họ đã lựa chọn, gắn bó, và đã quen thuộc nếp sống đô thị. Quê hương dù rất đỗi luyến thương, nhưng phần lớn là không đáp ứng được nhu cầu tìm việc tại chỗ. Nhất là vùng duyên hải, thiên tai triền miên, đất đai khô cằn, nông nghiệp ngày càng bó hẹp... Khó khăn ở quê nhà từng là lý do mà nhiều lớp người đã ra đi. Trở về quê khi TP.HCM mở cửa, nới lỏng các biện pháp phòng dịch cũng là cách để những người con xa quê này tìm về với gia đình, bố mẹ, với quê hương để tạm nghỉ ngơi, để được an ủi sau những tháng ngày dài trải qua dịch dã nghiêm trọng. 

Tất nhiên, dòng người ngược vô Nam sẽ không ngay lập tức, hay ào ạt, chen chúc, cùng một lúc như mỗi dịp sau Tết nguyên đán. Sẽ có nhiều người chọn ở lại quê hương, hoặc tạm gửi con cái lại bố mẹ... Nhưng chắc chắn, phần lớn những thanh niên trai trẻ, lứa tuổi lao động sẽ quay lại đô thị, vào Nam, vào TP.HCM trong một ngày sớm nhất. Đó không phải là niềm tin mà là thực tiễn ở miền Trung. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn