MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tập trung trước cơ sở kinh doanh nông sản tuyên bố vỡ nợ ở Đắk Nông. Ảnh: Người dân cung cấp

Cơ sở kinh doanh nông sản vỡ nợ ở Đắk Nông hứa sẽ trả nợ cho nông dân

Phan Tuấn LDO | 23/01/2024 10:34

Mới đây trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 2 cơ sở kinh doanh nông sản cà phê, hồ tiêu... tuyên bố vỡ nợ với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Liên quan đến sự việc này, chủ các cơ sở kinh doanh này hứa sẽ có phương án trả nợ cho những nông dân đã ký gửi nông sản cho họ.

Nông sản là tài sản quý giá nhất của người nông dân. Khi người nông dân mang đi ký gửi cho cơ sở kinh doanh nông sản nhưng phía đối tác lại tuyên bố vỡ nợ thì nguy cơ người dân hàng mất, nợ mang sẽ là rất cao.

Mới đây, bà M, chủ một đại lý kinh doanh nông sản ở huyện Krông Nô do không có khả năng thanh toán khoản nợ hơn 24 tỉ đồng nên đã tuyên bố phá sản. Trong đó, bà M đang nợ 16 hộ dân ký gửi 150 tấn cà phê nhân (trị giá khoảng 10 tỉ đồng). Ngoài ra, cơ sở kinh doanh của bà M còn nợ 2 đơn vị kinh doanh cà phê khác 14 tỉ đồng.

Sáng 23.1, thông tin từ UBND huyện Krông Nô cho biết, về phía bà M khai nhận với cơ quan chức năng là đã bán số cà phê, hồ tiêu mà các hộ dân đã ký gửi cho mình. Sau đó, bà M đã sử dụng số tiền đó để thanh toán các khoán nợ cá nhân phát sinh từ việc kinh doanh thua lỗ từ các năm trước và đầu tư tiếp các hoạt động kinh doanh. Giờ đây, bà M đã không có tiền để chi trả cho người dân.

Đối với các đại lý thu mua cà phê thì bà M đã chốt cà phê để lấy tiền trả các khoản nợ cá nhân phát sinh từ việc kinh doanh thua lỗ từ các năm trước và đầu tư vào việc kinh doanh. Tuy nhiên, đến mùa cà phê thì bà M đã không có cà phê để giao cho các đại lý.

Cũng theo UBND huyện Krông Nô, bà M cho biết, đối với tổng số nợ 24 tỉ đồng bà M dự kiến trong quá trình kinh doanh phát sinh lợi nhuận thì sẽ chi trả cho người dân và các cơ sở kinh doanh. Do thời điểm hiện tại bà M không thể tiếp tục kinh doanh cho nên đã tuyên bố phá sản và sẽ bán hết tài sản của gia đình để trả nợ. Nếu thiếu thì bà cho biết sẽ làm để trả nợ dần.

Hiện tại, gia đình bà M còn 1 thửa đất chưa được cấp sổ đỏ tại thôn Đắk Lưu, xã Tân Thành với diện tích rộng khoảng 1ha. Trên đất có 1 nhà cấp 4 diện tích 100m2; 2 lò sấy cà phê, diện tích mỗi lò sấy là 32m3; 1.000 trụ tiêu kinh doanh (trồng được 6 năm); 500 cây cà phê kinh doanh (trồng 5 năm).

Tổng giá trị của thửa đất này có giá trị khoảng 10 tỉ đồng do bà này nhận định theo giá thị trường. Hiện tại gia đình bà đang liên hệ người mua đất để bán lấy tiền trả nợ. Ngoài ra, gia đình bà này nhận khoán của Lâm trường Đức Lập diện tích khoảng 3ha đất tại thôn Đắk Lưu, xã Tân Thành từ năm 2009 tới nay hiện đang có 3.000 cây cà phê kinh doanh (20 năm) và trồng xen canh thêm cây hồ tiêu và sầu riêng.

Tương tự, tại xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức có khoảng 100 người dân tập trung tại Công ty TNHH MTV Đức Hoàng, do ông P.V.S và bà T.T.L.H làm chủ, để gây áp lực và đòi nợ. Những người kéo đến công ty này đã ký gửi cà phê, hồ tiêu với số lượng lớn. Tuy nhiên, công ty này đã tuyên bố phá sản, mất khả năng trả nợ khoảng 19 tỉ đồng.

Theo Công an huyện Tuy Đức, bước đầu xác định có khoảng 100 hộ dân ký gửi 94 tấn cà phê nhân xô, 66 tấn hồ tiêu khô tại Công ty TNHH MTV Đức Hoàng, tổng trị giá khoảng 14 tỉ đồng. Theo thông tin ban đầu, do công ty làm ăn thua lỗ, tại thời điểm tuyên bố phá sản kho của công ty còn lại 40 tấn cà phê nhân xô và 16 tấn tiêu khô.

Công ty đang thỏa thuận với người ký gửi để trả nợ đồng đều cho các hộ dân, mỗi hộ 27% trên tổng số nợ. Số nợ còn lại công ty sẽ có phương án trả cho người dân từ nay đến năm 2029.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn