MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường đang trong cao điểm nhu cầu về thiết bị học trực tuyến và bên cạnh đó là thiết bị phục vụ làm việc từ xa. Ảnh: Hải Nguyễn

Cơ sở nào được bán thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập?

Thế Lâm LDO | 10/09/2021 07:46

UBND TPHCM trong văn bản khẩn số 2994/UBND-ĐT ngày 7.9 đã nới lỏng thêm cho một số dịch vụ, ngành hàng được phép hoạt động. Trong đó, các cơ sở cung ứng thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được bán hàng qua kênh online.

Thiết bị, dụng cụ học tập chính là ngành hàng phục vụ đắc lực cho việc học trực tuyến tại nhà khi hàng chục triệu học sinh trên cả nước đã khai giảng từ ngày 5.9. Học trực tuyến phải có một số thiết bị máy móc tối cần thiết, trước hết là máy tính, các loại linh kiện, thiết bị ngoại vi như bàn phím, chuột máy tính, tai nghe, loa, webcam... Dịch vụ kèm theo chắc chắn phải có là lắp đặt, sửa chữa, bảo hành và bảo trì.

Thiết bị tin học văn phòng phục vụ cho làm việc tại nhà trong những ngày “ai ở đâu ở yên đó” về cơ bản cũng giống như các loại thiết bị, máy móc phục vụ cho việc học tại nhà. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, làm việc tại nhà (work from home) cần những thiết bị máy móc hiện đại và chất lượng hơn. Đơn cử như những loại màn hình siêu nét, thiết bị quay video độ phân giải cao, các giải pháp và phần mềm kết nối trực tuyến có độ bảo mật tốt…

Hẳn nhiên, theo văn bản 2994/UBND-ĐT, các cơ sở cung ứng những loại thiết bị trên là các cửa hàng, siêu thị chuyên doanh về máy tính, thiết bị tin học, dụng cụ học tập…

Tuy nhiên, trên thực tế thị trường hiện nay, ngoài những cơ sở chuyên doanh còn có không ít chuỗi siêu thị, cửa hàng bán các thiết bị công nghệ tổng hợp, từ các mặt hàng điện máy, điện tử tới máy tính, thiết bị tin học văn phòng, và phục vụ học tập.

Một đơn cử, hệ thống Thế Giới Di Động thường được đề cập đến là một chuỗi siêu thị điện thoại lớn. Thế nhưng, lượng máy tính xách tay (laptop) mà chuỗi này bán ra hàng năm chiếm khoảng 1/4 thị phần tại Việt Nam, trong đó một trong những đối tượng khách hàng lớn nhất chính là học sinh, sinh viên mua laptop phục vụ việc học trước tiên.

Hay như chuỗi FPT Shop, doanh số bán máy tính xách tay hàng năm cũng chiếm trên dưới 20% thị phần.  Những chuỗi bán lẻ hàng công nghệ nói chung này, thậm chí có doanh số bán các thiết bị tin học văn phòng hay phục vụ học tập còn lớn hơn các cửa hàng, siêu thị chuyên doanh.

Nếu nhìn từ góc độ này, các siêu thị, cửa hàng điện máy, điện tử và điện thoại chưa được phép hoạt động nhưng vẫn có một số ngành hàng vốn được các hệ thống này kinh doanh và cung ứng lại thuộc ngành hàng mà văn bản 2994/UBND-ĐT đề cập cho phép cung ứng trở lại.

Chính vì thế, ít nhiều còn có “điểm mờ” chưa được giải thích rõ trong văn bản, từ đó khi triển khai ra thị trường có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau của lực lượng thực thi cũng như phía doanh nghiệp, dễ dẫn đến những trở ngại, khó khăn không đáng có ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Và câu hỏi cần có câu trả lời là, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm công nghệ nói chung có được hoạt động trở lại để cung ứng các loại thiết bị tin học văn phòng và thiết bị dụng cụ học tập hay không?

Danh mục các thiết bị thuộc hai ngành hàng kể trên gồm những gì có thể cũng dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên trước hết, để tạo điều kiện cho chuỗi cung ứng hoạt động thông suốt đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của người dân, cần phải có những hướng dẫn rõ ràng hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn