MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có tàu Cát Linh – Hà Đông, vì sao đường Nguyễn Trãi vẫn ken đặc người?

Bảo Hân LDO | 09/08/2022 11:13

Đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) vốn “nổi danh” vì luôn xảy ra tình trạng tắc đường, ken đặc các phương tiện giao thông vào giờ cao điểm. Tuyến đường này có một loại hình giao thông khác là tàu điện, nhưng vì sao vẫn không thể giảm tải được lượng người lưu thông dưới mặt đất? 

Anh Trịnh Tuấn Nam (trú tại chung cư Xuân Mai Complex, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) bắt đầu bỏ xe máy để đi tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông từ tháng 6.2022. Mỗi buổi sáng, anh đi xe máy quãng đường 1km ra gửi xe tại ga Văn Khê, rồi lên tàu đi đến nơi làm việc tại đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân). 

Để đến nơi làm việc, anh Nam phải qua 6 ga tàu. Sau khi xuống tàu, anh đi bộ quãng đường khoảng 700m để đến công ty. 

Theo anh Nam, đi tàu điện trên cao không tiết kiệm tiền được là bao so với đi xe máy, nhưng anh tránh được cảnh tắc đường mỗi buổi sáng - dễ gây stress, đồng thời anh cũng tiết kiệm được thời gian hơn so với đi xe máy. 

Cụ thể, nếu đi tàu Cát Linh – Hà Đông, mỗi tháng anh tốn hơn 100.000 đồng tiền gửi xe máy, 200.000 đồng tiền vé tàu, 100.000 đồng tiền xăng; tổng cộng 400.000 đồng. Trong khi đó, nếu đi xe máy, theo tính toán của anh, tiền xăng khoảng 500.000-600.000 đồng. 

Theo anh Nam, do công việc anh chủ yếu ở văn phòng, không phải đi lại nên mới có thể đi làm bằng tàu điện. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có các điều kiện thuận lợi như anh Nam để đi làm hằng ngày bằng tàu điện. Nhiều người vẫn buộc phải lựa chọn các phương tiện cá nhân để đi lại qua đường Nguyễn Trãi. 

Anh Dương Đức Cường – trú tại đường Chiến Thắng (quận Hà Đông) cho biết, nơi anh làm việc tại phố Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm), tổng quãng đường từ nhà đến cơ quan là 10km. Dù rất muốn đi tàu điện trên cao để đi làm hằng ngày nhưng anh phải gác lại ý định trên. Hằng ngày, anh Cường đi làm bằng xe đạp, qua đường Nguyễn Trãi luôn ken đặc các phương tiện giao thông vào giờ cao điểm. Anh Cường mất khoảng 45 phút để đến được cơ quan. 

“Nếu đi bằng tàu điện, tôi chỉ cần đi bộ từ nhà ra ga 200m, rất tiện. Nhưng vấn đề là khi xuống điểm cuối ở ga Cát Linh - nơi không gần cơ quan” – anh Cường nói.

Cụ thể, ga Cát Linh cách nơi làm việc của anh Cường khoảng 3-4 km. Với khoảng cách này, nếu đi bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, mệt mỏi; chưa kể những khi trời mưa gió; còn nếu đi xe ôm thì sẽ rất tốn kém. Nếu đi xe buýt thì anh phải bắt 2 tuyến, rất mất thời gian.

“Ngoài ra, hạ tầng giao thông ở Hà Nội không thuận lợi cho người đi bộ. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè còn diễn ra phổ biến, khiến người đi bộ phải xuống lòng đường, khá nguy hiểm” – anh Cường chia sẻ và cho rằng, tàu điện trên cao sẽ rất phù hợp với những người có nơi làm việc, học tập ở trên hoặc ở gần đường Nguyễn Trãi; hoặc có sự kết nối thuận lợi bằng các phương tiện công cộng. 

“Vấn đề quan trọng để nhiều người có thể đi tàu điện trên cao là sự kết nối đồng bộ các phương tiện giao thông với nhau. Ví dụ trong trường hợp của tôi, nếu tôi xuống ga cuối cùng mà có phương tiện xe đạp công cộng cho thuê thì sẽ rất thuận lợi. Nếu các loại hình giao thông công cộng kết nối thuận lợi hơn thì tôi tin rằng rất nhiều người sẽ chọn đi tàu điện trên cao, giảm tải cho đường bộ” – anh Cường chia sẻ quan điểm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn