MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Có thành phố vượt qua bão tố” là một bức hình được người Đà Nẵng chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.

"Có thành phố vượt qua bão tố"

Hữu Long LDO | 27/07/2020 10:35

"Hết dịch con lại về" là lời chia tay của một chàng y tá đối với người mẹ bên ngoài song cửa sắt của bệnh viện. Lời chia tay ấy như gói gọn tinh thần của người Đà Nẵng lạc quan dù có khó khăn đến nhường nào cũng sẽ vượt qua bão tố.

Ngày 27.7, khi mà ngành y tế ra lệnh cách ly Bệnh viện Đà Nẵng để phòng COVID-19, từng dòng người là các y-bác sĩ của bệnh viện lặng lẽ quay trở lại để tiến hành cách ly phòng dịch. 

Trong giữa dòng người ấy, tôi lại thấy hình ảnh một chàng trai cao gầy, trong trang phục bảo hộ, tay ghì chặt vào bờ rào trong bệnh viện, đôi mắt nhìn ra bên ngoài như chờ đợi một ai. 

Vài phút sau một người phụ nữ kham khổ, trên tay lỉnh kỉnh túi quần áo, vài vật dụng thiết yếu mang cho cậu con trai đang ngóng đợi.

Cậu con trai nhận đồ rồi vội ra khuôn viên bệnh viện dắt chiếc xe máy đi ra cổng giao cho mẹ.  

Trước khi vào làm nhiệm vụ, chàng trai ngó lại mẹ, giọng run run: "Mẹ giữ gìn sức khỏe, hết dịch con lại về..!”

Chàng trai ấy tên Tuấn (28 tuổi) – điều dưỡng bệnh viện và người mẹ tên Linh (59 tuổi, quận Cẩm Lệ).

Hóa ra, gia đình bà Linh chỉ có một chiếc xe máy cho Tuấn đi làm hằng ngày. Ngay khi tin cách ly toàn bệnh viện được công bố, Tuấn giục mẹ đến bệnh viện lấy xe để về nhà bán buôn tại chợ thuận lợi hơn. 

Nhiều y bác sĩ tự giác quay trở lại bệnh viện Đà Nẵng để cách ly, phòng bệnh dịch. Ảnh Hữu Long

“Sáng nó đi làm rồi trưa báo tin sẽ cách ly dài ngày. Thương con, tôi vội gác chuyện bán buôn để về nhà chuẩn bị vài bộ quần áo cho con mặc trong mấy ngày cách ly.

Mong rồi mọi chuyện sẽ ổn với gia đình tôi, với đội ngũ y-bác sĩ của bệnh viện và cả với thành phố Đà Nẵng chúng ta” – bà Linh bộc bạch...

Đà Nẵng sau nhiều ngày bình an, bỗng chốc ai nấy đều lo lắng bởi bệnh dịch đến quá nhanh, quá bất ngờ. Bệnh dịch đến giữa lúc toàn thành phố, người người đang bắt tay thực hiện các kế hoạch khôi phục lại nền sản xuất, kinh tế.

Nỗi lo lắng là có đấy, thế nhưng người dân, chính quyền nhanh chóng cùng nhau sốc lại tinh thần để lên kế hoạch phòng chống dịch.

“Sớm về nhà để ăn bữa thật to, đi chơi thật xa nhé” là lời của một người vợ trẻ dành cho chồng đang công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Và lời cầu nguyện của người mẹ có con trai đang công tác tại bệnh viện như một minh chứng rằng, người Đà Nẵng trong bất cứ khó khăn nào đều lạc quan vượt qua.

Đà Nẵng những ngày này, dạo khắp các trang mạng xã hội, chúng ta lại thấy hình ảnh đội ngũ y bác sĩ giữa tâm dịch nhưng vẫn vui vẻ, yêu đời.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng viết thư mong khách du lịch cảm thông vì tình hình dịch bệnh.

Đâu đó là lời động viên, an ủi của cô vợ trẻ dành cho chồng làm bác sĩ bị cách ly, mẹ dành cho con có nguy lây nhiễm…, cho cả những người đang ngày đêm phòng chống dịch để bảo vệ sự bình an của thành phố.

Những ngày căng mình chống dịch, Đà Nẵng không đơn độc một mình.

Từng chủ trương thành phố ban hành, những lời động viên trên các trang mạng của đội ngũ người làm báo, y - bác sĩ và các chiến sĩ công an… ngay lập tức được người dân cả nước hưởng ứng. Tất cả như hòa làm một – mong Đà Nẵng vượt qua cơn đại dịch.

Thế nhưng giữa vô vàn lời cầu chúc bình an, chúng ta vẫn thấy những cơn sóng nhỏ gợn buồn. Đó là những lời kỳ thị, tẩy chay của một bộ phận nhỏ người dân đối với thành phố Đà Nẵng.

Thay vì phản ứng cực đoan, chúng ta lại thấy người Đà Nẵng ứng xử khiêm nhường nhưng đầy sâu sắc. 

Người viết xin trích dẫn chia sẻ của một người Đà Nẵng để kết thúc bài viết này

"Khi Vĩnh Phúc là tâm dịch, chúng tôi nói Vĩnh Phúc cố lên! Vậy cớ sao Đà Nẵng giờ mới tâm dịch, các bạn lại không thể nói Đà Nẵng cố lên?"

"Khi Vĩnh Phúc là tâm dịch, chúng tôi nói Vĩnh Phúc cố lên. Vậy cớ sao Đà Nẵng giờ mới tâm dịch, các bạn lại không thể nói Đà Nẵng cố lên?" Ảnh FB Tiên Sa

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn