MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngôi nhà số 10 Hàng Chuối khi gỡ mái nhà xuống cấp nguy hiểm trơ tường gạch mục nát

Có xử lý kiểu “dồn” dân đến đường cùng?

Vương Hà LDO | 06/05/2016 14:00
Trong “Đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp” của anh Ngô Minh Quang ( số 10 phố Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) gửi tới Báo Lao động tố cáo ông Nguyễn Tiến Quang - Chủ tịch phường Phạm Đình Hồ - đã “lợi dụng chức quyền, chèn ép gia đình tôi, cố tình ra các văn bản sai luật để dồn gia đình tôi tới bước đường cùng.” Làm việc với tổ khối phố và người bị tố cáo, chúng tôi nhận thấy, người dân bức xúc là có cơ sở.

 

Chuyện hai vợ chồng nằm liệt giường không thể ở … nhà mình

Theo đơn tố cáo, ngày 5.2.2015, gia đình anh Minh Quang nhận được văn bản số 113 của UBND quận Hai Bà Trưng về việc cho phép gia đình ông Quang được cải tạo, sửa chữa nhà do đã xuống cấp nguy hiểm với ngôi nhà 1 tầng, có gác lửng, lợp mái fbpro xi măng, diện tích 46,5 m2, chiều cao công trình 5,85 mét.

Theo nội dung đơn đơn tố cáo, trong quá trình sửa chữa, cả chủ tịch phường và phó chủ tịch phường là ông Hoàng Anh Tuấn đã gợi ý các điều kiện, nếu đáp ứng được thì gia đình sẽ tiếp tục hoàn thành việc sửa chữa ( không có bằng chứng kèm theo - pv). Tuy nhiên, do bố mẹ già ốm yếu (bố xuất huyết não và mẹ bị liệt cách đây 4 năm) nên gia đình ông Quang không thể đáp ứng được các yêu cầu của các vị này đưa ra. Vì vậy, đơn tố cáo cho rằng ông Quang Chủ tịch và ông Tuấn Phó chủ tịch phường “ liên tục trả thù bằng nhiều cách: Không cho gia đình tôi lợp mái che mưa cho phần cầu thang đi lên gác của ngôi nhà như theo hiện trạng cũ là cao 5,85 m, mà gia đình tôi hiện giờ đang làm mới cao có 3 mét, nên gia đình tôi không thể sinh sống tại đó được".

Cũng theo đơn tố cáo, vì vậy gia đình ông Quang phải đi thuê nhà khác cho bố mẹ đang ốm bệt giường để lấy nơi trú ngụ suốt nửa năm qua.Đơn tiếp tục tố cáo “Trong suốt thời gian từ tháng 11.2015 người nhà tôi ở trông ngôi nhà và sinh hoạt bình thường không có việc thi công xây dựng tiếp ngôi nhà thì tự nhiên ngày 1.4.2016 UBND phường ra văn bản khống về việc yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm mà không có mặt gia đình tôi… Ngày 4.4.2016, ông Nguyễn Tiến Quang – Chủ tịch phường Phạm Đình Hổ đã ra quyết định số 64 cưỡng chế mấy cọc sắt dùng để phơi quần áo bằng các văn bản, nghị định đã hết hiệu lực thi hành để cắt điện, cắt nước sinh hoạt tại gia đình nhà tôi, mà gia đình tôi không hề vi phạm việc xây dựng công trình, không xây dựng nhà không có giấy phép như văn bản ông Nguyễn Tiến Quang cố tình gán cho nhà tôi.”

Sáng thứ 5, ngày 5.5.2016, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Nhật Lai - tổ phó tổ dân phố, người cùng ở số 10 Hàng Chuối. Về hoàn cảnh nhà anh Quang và các xử lý của phường, vợ chồng ông Lai tỏ ra bức xúc: Nếu cứ cho là nhà ông Quang có sai so với giấy phép, nhưng tại sao nhà bà Nguyễn Thị Thảo cùng khu nhà sai gấp trăm lần (vì đây là công trình xây dựng không phép, lấn cả công trình phụ), lại không bị xử lý một cách triệt để, quyết liệt như nhà ông Quang?

Chôn mấy cọc sắt là vi phạm trật tự xây dựng!?

Sáng cùng ngày, chúng tôi đến UBND phường Phạm Đình Hổ làm việc với ông Chủ tịch Nguyễn Tiến Quang. Ông Quang tỏ ra bức xúc khi cho rằng, tôi mới về nhậm chức ở đây từ tháng 6.2015 tại sao lại tố cáo tôi bao che xây dựng cho bà Thảo, bởi theo ông Tiến Quang, việc xây dựng đó diễn ra trước khi ông Quang về đây nhận nhiệm vụ. Ông Chủ tịch phường cũng lý giải phải xử lý triệt để xây dựng sai phép của nhà ông Tiến Quang vì có đơn tố cáo của bà Thảo (người bị một số gia đình ở đây tố xây dựng không phép). Chúng tôi đưa ra câu hỏi: Ngôi nhà này có chiều cao 5,85 m, vì sao mới xây dựng được 3 mét, làm thêm mấy cái cọc sắt lên trên, chưa biết làm gì (gia đình nói làm dây phơi quần áo) sao đã vội cưỡng chế? 

Trả lời câu hỏi này, ông Quang cho rằng, công trình cũ cao 5,85 mét là đỉnh mái chứ không phải toàn bộ mái cao như vậy. Nhà cũ có hai mái, nay nhà làm một mái là không đúng giấy phép: Phải sửa đúng nguyên trạng! 

Trước cách trả lời của ông Chủ tịch phường, chúng tôi phải đặt câu hỏi: Có cần cứng nhắc khi xử lý một mái hay hai mái? miễn là công trình có đỉnh mái không vượt quá chiều cao công trình cũ. Vấn đề trớ trêu là, thực tế nhà này cũng chưa kịp làm mái gì, mới làm mấy cái cọc từ trước tháng 11.2015, nay sau 5 tháng bỗng chốc đem ra xử lý thì thật khó hiểu. 

Về vấn đề này, ông Chủ tịch phường Phạm Đình Hổ cho rằng, dù chưa làm mái nhưng đã thấy họ mang tôn về nên xử lý là đúng!? Mặt khác, ông Quang khẳng định, mấy cái cọc sắt đó được làm dần dần, chứ không phải đột nhiên tháng 4.2016 đem ra xử lý?

Xin chưa nói việc dựng mấy cái cột sắt đó khi nào (gia đình khẳng định làm từ trước tháng 11.2015), nhưng việc chỉ có mấy cái cọc sắt mà lại ra quyết định xử lý sai phạm về trật tự xây dựng liệu có thỏa đáng? Mặt khác, ngày 1.4.2016, thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng lập biên bản yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm (việc lập biên bản này có đúng hay không chúng tôi phân tích sau), tuy chưa hết thời gian khiếu nại (5 ngày như biên bản lập), thì ngày 5.4 Xí nghiệp kinh doanh nước sạch đã có văn bản ngừng cấp nước. 

Dù không nhất trí với việc xử ép quá đà của phường, ngày 6.4, ông Quang vẫn cho người cưa tất cả 4 cọc sắt dựng ở 4 góc nhà theo đúng yêu cầu của thanh tra xây dựng. Tưởng đã yên thân, nào ngờ, ngay ngay ngày hôm sau, ngày 7.4, đến lượt ngành điện lực cắt điện. Gia đình quá kinh hoàng cách xử lý “đến nơi đến chốn” của phường sở tại.

Thậm chí, đến ngày 12.4, theo yêu cầu của UBND phường, gia đình anh Quang ra phường thì ông Chủ tịch đột ngột yêu cầu nhà anh Quang phải hạ nốt mái tôn (rộng chừng 4 m2, cao khoảng 2 mét) đang che mưa cho chiếc cầu thang lên gác. Đáng lưu ý là biên bản xử lý xây dựng nêu trên không hề đả động gì đến cái mái che này, chỉ yêu cầu cắt mấy cọc sắt. 

Chúng tôi có đưa ra câu hỏi về cách xử lý có phần bất nhất này, ông Chủ tịch khẳng định: Phải xử lý triệt để (!?), nếu sợ mưa thì có thể đậy miếng tôn, hoặc căng bạt che (!!). 

Dù không muốn tranh luận với kiểu lý sự như vừa nêu, chúng tôi vẫn phải đặt câu hỏi: Hiện đỉnh mái tôn mới dừng ở độ cao 5,3 mét (vẫn chưa vượt mốc công trình được phép 5,85 mét), sao lại xử lý như vậy ? Loay hoay lý sự một hồi, ông Chủ tịch phường mới nói: "Nếu gia đình có nguyện vọng thì cũng phải làm đơn ra đề nghị thì chúng tôi mới giải quyết chứ!!"Nhưng ông Chủ tịch phường quên mất, chính ngày 12.4, khi gia đình ông Quang ra làm việc với phường, khi ông Chủ tịch phường yêu cầu hạ nốt mái tôn này, gia đình đã xin hết cỡ và có cán bộ phường đã gàn ông Chủ tịch vì việc làm này là không đúng với biên bản (thực ra, vị này nói câu còn nặng nề hơn nhiều, chúng tôi không tiện nói thẳng ra). Và nếu gia đình đã tự xử lý theo biên bản của trật tự xây dựng lập (có đúng luật không, ở bài này chúng tôi chưa bàn), thì việc tiếp tục cắt nước, điện đến ngày hôm nay thì người dân sao tránh khỏi uất ức?

Vậy, chúng tôi hy vọng thanh tra Nhà nước quận Hai Bà Trưng và các cơ quan chức năng của UBND quận Hai Bà Trung sớm có kết luận: Có hay không việc ép người dân đến bước đường cùng như dân tố cáo? Cách làm việc của ông chủ tịch phường như vậy với người dân có đúng không?


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn