MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội phá dỡ con đường gốm sứ. Ảnh: Sơn Tùng

Con đường gốm sứ bị phá dỡ: Dù tiếc nuối nhưng vẫn ủng hộ

M.Hương LDO | 09/06/2020 12:31

Hà Nội đang tiến hành phá dỡ hơn 600 m chiều dài tranh gốm đoạn ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu bị phá dỡ để mở rộng đường đến cầu Nhật Tân. Sự kiện này khiến nhiều bạn đọc tiếc nuối nhưng vẫn ủng hộ vì giúp giảm ùn tắc giao thông.

Mới đây, TP.Hà Nội đã phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên nằm trên địa bàn 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Mục tiêu của dự án sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực này, thực hiện được việc gia cố vững chắc đê điều đảm bảo an toàn phòng, chống lũ và tạo được cảnh quan đô thị.

Bình luận về việc này, bạn Phan Anh Minh bày tỏ: "Ngày nào tôi cũng đi qua khu vực này. Thực sự rất đáng tiếc nhưng buộc phải làm".

Đồng quan điểm, bạn Hoàn Nguyễn nói: "Hoàn toàn ủng hộ dự án này của Hà Nội. Mở được đường này lên cầu Nhật Tân sẽ giúp xe từ sân bay Nội Bài thông thẳng vào khu Ba Đình rất thuận tiện. Giai đoạn 1 làm từ đầu Nghi Tàm đến đường Thanh Niên đã rất hiệu quả. Chống được ùn tắc".

"Con đường này cũng đã tồn tại được 10 năm rồi, nên dỡ bỏ thì phải dỡ bỏ thôi. Tranh gốm nhìn thấy đẹp không ai phủ nhận, nhưng làm ở dọc mép đường cây xanh không có, lề đường bé nên chẳng có ai đến xem, có thì cũng chỉ lướt nhanh qua, không đủ để hiểu nội dung ý nghĩa của từng hình ảnh" - bạn đọc Quang Anh viết.

Bạn Trần Minh Quang cho hay: "Tôi học ngoài Hà Nội cũng 5 năm, đi qua đây ít cũng vài chục lần, mỗi lần đi qua rất mất vệ sinh vì không ít người phóng uế ở đây. Nếu thay vào đó là con đường rộng, có vỉa hè, cây xanh có lẽ sẽ ổn hơn".

Bạn Hương Anh cho biết: "Con đường gốm sứ một số chỗ đã nứt hỏng, bây giờ làm đường mở rộng và muốn con đường có độ bền chắc thì phải "hy sinh" con đường gốm sứ".

Con đường gốm sứ bắt đầu thực hiện năm 2008, có chiều dài gần 4.000 m, diện tích 7.000 m2, từ đường Nghi Tàm đến cửa khẩu Vạn Kiếp. Bức tranh có 21 trường đoạn với nhiều chủ đề, ghép từ các mảnh gốm lên tường ven đê sông Hồng. Năm 2010, công trình hoàn thiện gắn biển kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là "bức tranh gốm dài nhất thế giới". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn