MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đoàn Dụng, Giám đốc sở Nội vụ Quảng Ngãi cho biết vẫn chưa thu hồi đủ tiền mà các học viên vi phạm cam kết khi đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách. Ảnh: Thanh Chung

Con quan chức du học bằng ngân sách rồi bội ước: Mất mát không chỉ là tiền

Thanh Hải LDO | 12/05/2020 18:30

Tại Quảng Ngãi, có đến 4 trường hợp du học nước ngoài bằng tiền ngân sách nhưng không về địa phương phục vụ và họ là con của quan chức cấp cao trong tỉnh. Họ không chỉ vi phạm cam kết, xù nợ với chính quyền mà còn cướp đi cơ hội hiếm có của nhiều hiền tài khác, là con thường dân.

Sở Nội vụ Quảng Ngãi vừa có báo cáo cho biết vẫn chưa thu hồi đủ kinh phí đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài đối với 4 người  vi phạm cam kết, gồm: Phạm Thành Việt, Huỳnh Thị Lan Viên, Phạm Thị Mỹ Hạnh và Nguyễn Lê Ngọc Hà.

Đây là những học viên đã dùng tiền ngân sách nhà nước du học, thuộc "Đề án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực trình độ cao giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020" của tỉnh Quảng Ngãi.

Họ là con của nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tài chính và Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khóa đào tạo, cả 4 vị con quan nêu trên đã không trở về công tác, phục vụ địa phương theo cam kết bắt buộc của đề án.

Cuối năm 2019, Sở Nội vụ Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi tiền ngân sách đã "đầu tư" sai đối tượng và buột nộp phạt số tiền tương đương nhà nước đã chi, như một khoảng bồi thường. Tuy nhiên, đến nay các đối tượng vẫn chậm nộp, chây ì, chưa hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn cho nhà nước.

Đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt đầu tiên. Tại Đà Nẵng, thời điểm 2017 cũng có đến 118 trong tổng 646 lượt học viên được cử đi học nước ngoài bằng ngân sách theo đề án đào tạo nhân tài đã bội phản cam kết, tương tự các con của quan chức ở Quảng Ngãi bây giờ. Họ đã ở lại luôn nước ngoài, bỏ việc hoặc không phục vụ trong cơ quan nhà nước như cam kết trước đó.

Đòi không được nợ, Đà Nẵng đã phải khởi kiện ra tòa án đối với 23 trường hợp.

Nhưng vấn đề không chỉ là tiền chi ra hay thu vào cho ngân sách được bao nhiêu, mà hiệu quả của chính sách dùng tiền nhà nước để đào tạo nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài của các địa phương đã bị lạm dụng. Ai, đối tượng nào được lựa chọn, được ưu tiên nhận tiền ngân sách để đi đào tạo? Việc bình xét, công nhận hồ sơ tuyển có minh bạch, công tâm hay không... đến khi vỡ lỡ, kiện tụng thì dân mới biết.

Với cả 4 đối tượng là con quan chức ở Quảng Ngãi vừa bị vạch mặt, chỉ tên khi họ xù tiền ngân sách, bội ước cam kết đối với chính quyền thì dân mới biết họ là con quan.

Việc phá vỡ cam kết của học viên nếu trách thì chỉ một phần, bởi họ có thể vì lựa chọn tốt hơn và sẵn sàng bồi thường. Nhưng cần phải có những điều tra nghiêm túc về việc có hay không các quan chức cấp cao đã lợi dụng chính sách để đưa con em mình đi du học bằng ngân sách?

Thất bại của một chủ trương đào tạo nhân lực chất lượng cao thì có thể khắc phục. Thất thoát ngân sách thì có thể thu hồi, thậm chí kiện ra tòa như Đà Nẵng. Nhưng việc quan chức nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạng, lợi dụng chính sách, đưa người không đúng đối tượng đi du học còn cướp đi cơ hội của nhiều hiền tài là con em thường dân, ảnh hưởng uy tín nhà nước, làm mất niềm tin trong dân. Thiệt hại này lớn hơn nhiều so với ngân sách đã thất thoát mà các địa phương đang nỗ lực thu hồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn