MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Báo Lao Động thời gian qua liên tục có những tin bài phản ánh về tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Ảnh: Thế Lâm.

Con số về cuộc gọi rác gây “chấn động” người dùng di động

Thế Lâm LDO | 27/08/2020 15:19

Thống kê sơ bộ từ hệ thống chặn lọc cuộc gọi rác đang được thí điểm của nhà mạng Viettel, trong 1 tháng có khoảng 49 triệu cuộc gọi bị nghi ngờ được ngăn chặn.

Con số khoảng 49 triệu cuộc gọi bị nghi ngờ là cuộc gọi rác đã bị hệ thống chặn lọc cuộc gọi rác của nhà mạng ngăn chặn, đã gọi đến 18 triệu thuê bao. Tính ra, mỗi thuê bao di động bình quân phải hứng chịu hơn 2,7 cuộc gọi.

Tuy nhiên vấn đề “khủng khiếp” hơn là, 49 triệu cuộc này được thực hiện từ hơn 26.700 số điện thoại.  Chia bình quân, mỗi số điện thoại đã thực hiện hơn 1.830 cuộc gọi trong 1 tháng. Tính bình quân, mỗi ngày mỗi số điện thoại này phát tán ra khoảng hơn 60 cuộc gọi đã bị ngăn chặn.

Đó là những con số về các cuộc gọi bị nghi ngờ là cuộc gọi rác được hệ thống của nhà mạng Viettel ngăn chặn, chưa bao gồm số liệu thống kê của hai nhà mạng lớn còn lại là VinaPhone và MobiFone (bắt đầu triển khai biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác từ ngày 1.8.2020) và các nhà mạng còn lại (triển khai từ ngày 1.10.2020).

Và vẫn còn một lượng lớn cuộc gọi rác có thể không nằm trong thống kê của các nhà mạng và cơ quan chức năng. Đó là các cuộc gọi rác mà nhiều thuê bao di động không nghe máy, trở thành những cuộc gọi nhỡ, và những cuộc gọi rác từ các số điện thoại chuyên quảng cáo, rao bán địa ốc, bảo hiểm, suất tập luyện, khóa học, suất nghỉ dưỡng… bị người dùng di động tự chặn bằng phần mềm trên điện thoại của mình.

Chúng tôi đã hỏi thăm dò một nhân viên môi giới bất động sản tại khu vực Quận 4, TPHCM tên Th.Ng, về qui định mới chế tài các cuộc gọi quảng cáo, rao bán bất động sản… thường được gọi là telesale. Nhân viên này cho rằng qui định có hiệu lực từ ngày 1.10.2020 “nhưng chắc cũng chưa siết căng ngay liền đâu…”.

Sau nửa đầu tháng 7.2020 lượng cuộc gọi rác mà hầu hết là telesale  tạm lắng xuống, nhưng đến nửa cuối tháng 7 vừa qua lại dần dần bùng lên trở lại.

Khoảng thời gian từ ngày 1.7.2020 đến thời điểm ngày 1.10 trước khi Nghị định 91/2020/NĐ-CP qui định chế tài mạnh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác có hiệu lực, các đối tượng thực hiện cuộc gọi rác dường như chưa “biết sợ”.

Theo thạc sĩ Mai Tuyết hoạt động trong lĩnh vực truyền thông - marketing, cần có những vụ việc xử lí điển hình về các vụ vi phạm trong lĩnh vực này, cần xử phạt nghiêm và phạt hết khung thì may ra mới có thể phần nào giúp hạn chế tình trạng cuộc gọi rác, khiến các đối tượng chuyên thực hiện cuộc gọi rác biết sợ luật pháp. Còn ngược lại, họ sẽ tiếp tục nhờn luật.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Mai Tuyết cũng cho rằng, cơ quan chức năng và nhà mạng phải tạo các điều kiện thuận lợi nhất có thể về cơ chế phản hồi, biện pháp kĩ thuật để người dùng di động chủ động báo cáo các số thuê bao chuyên phát tác tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư điện tử rác. Hiện nay, người dùng di động là nạn nhân của tình trạng tin nhắn rác và cuộc gọi rác chưa được cung cấp một cơ chế rõ ràng cùng với phương án kĩ thuật hiệu quả để báo cáo các số thuê bao phát tán cuộc gọi rác.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn