MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái phản ánh đến PV Báo Lao Động việc bị ép nhận nợ xây đường nông thôn mới.

Công an vào cuộc vụ ép người dân vùng cao nhận nợ xây đường nông thôn mới

Bảo Nguyên LDO | 11/07/2023 06:59

Yên Bái - Sau khi nhận được phản ánh của Báo Lao Động, Công an huyện Yên Bình đã phối hợp với Công an xã Bảo Ái xác minh, làm rõ việc người dân bị ép nhận nợ xây đường nông thôn mới.

Những ngày qua, ông Triệu Văn Thiên (SN 1968) cùng vợ là bà Trường Thị Khôi (SN 1968) - xóm Ngòi Bình, thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái mất ăn mất ngủ khi nhận “hợp đồng cho vay tiền”.

Theo nội dung, bà Lý Thị Về đồng ý cho ông Triệu Văn Thiên vay số tiền 3.250.000 đồng; mục đích vay tiền để làm đường; tài sản thế chấp là rừng; Mức lãi suất theo thỏa thuận của các bên dựa trên quy định của pháp luật…

Người dân phản ánh, do còn nợ tiền làm đường nông thôn mới nên họ bị ép ký giấy vay tiền, thế chấp đất rừng. Ảnh: Bảo Nguyên

“Đây là số tiền gia đình tôi còn thiếu, chưa có khả năng đóng góp để làm đường nông thôn mới. Tôi rất sợ nếu không trả được tiền họ sẽ lấy đi đất rừng canh tác của mình”, ông Thiên nói bằng tiếng của người Dao, khuôn mặt đầy lo âu.

Phóng viên tiếp tục liên hệ với bà Lý Thị Về (thành viên tổ tự quản thu chi làm đường nông thôn mới của xóm Ngòi Bình, người đại diện bên A - cho vay tiền) thì được biết: Quá trình làm đường nông thôn mới, ngoài vật liệu xây dựng Nhà nước đầu tư thì xóm phải thuê máy san ủi mặt bằng, đổ bê tông, nhân công nên ban đầu tạm tính 1 triệu/khẩu. Tuy nhiên sau này đội chi phí nên phát sinh lên 2 triệu đồng/khẩu cho con đường dài 1,8km.

Mỗi nhân khẩu xóm Ngòi Bình, thôn Ngòi Ngần phải đóng 2 triệu đồng để làm đường nông thôn mới dài 1,8km. Ảnh: Bảo Nguyên

“Gia đình ông Thiên có 4 khẩu nhưng mới đóng 4 triệu đồng tiền mặt và 3 ngày công (tương đương với 750.000 đồng). Do vậy gia đình ông ấy còn nợ 3.250.000 đồng mà chúng tôi đòi mãi chưa trả. Các thành viên trong tổ tự quản đã thống nhất nhờ một cán bộ xã in cho tờ giấy để xác nhận họ còn nợ tiền, sau này sẽ phải trả”, bà Về giải thích.

Theo ông Lê Thế Vinh - Trưởng thôn Ngòi Ngần, thôn có 204 hộ dân thì đến 50 hộ nghèo. Còn riêng xóm Ngòi Bình có 22 hộ dân (92 nhân khẩu) thì có tới 6-7 hộ nghèo.

Ông Lê Thế Vinh - Trưởng thôn Ngòi Ngần phủ nhận thông tin phản ánh sẽ tính lãi cao đối với người còn nợ tiền làm đường nông thôn mới. Ảnh: Bảo Nguyên

“Hiện nay còn gần 10 hộ đóng thiếu tiền làm đường nông thôn mới, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hoặc đi làm ăn xa. Giấy cho vay tiền cũng do tổ tự quản của xóm làm không liên quan đến tôi”, Trưởng thôn Ngòi Ngần nói và cho biết - tất cả nhân khẩu trong thôn phải đóng tiền làm đường nông thôn mới như nhau không giảm trừ cho hộ nghèo, gia đình có khoản cảnh khó khăn.

Trả lời PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Tiến - Chủ tịch UBND xã Bảo Ái - cho hay: Sau khi nhận được thông tin phản ánh đồng thời xã báo cáo lên cấp trên, trong ngày 10.7 Công an huyện Yên Bình đã phối hợp với Công an xã Bảo Ái về thôn xóm xác minh việc làm đường nông thôn mới cũng như nắm bắt tâm tư của người dân.

“Vụ việc nêu trên thực ra là câu từ gây hiểu nhầm. Văn bản ấy về pháp lý cũng không có gì”, Chủ tịch UBND xã Bảo Ái nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn