MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GameFi Axie Infinity giúp cho doanh nghiệp Việt Sky Mavis trở thành một startup "kỳ lân" nhưng trên thực tế hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp chưa rõ ràng. Ảnh chụp màn hình.

Công nghệ mới thiếu hành lang pháp lý, như bị "trói" tay chân

Thế Lâm LDO | 17/07/2022 13:36
Nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam đủ nhạy bén nắm bắt và phát triển các công nghệ mới như blockchain, Gamefi, Defi, metaverse… nhưng cái vướng lớn nhất để tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển mạnh chính là hành lang pháp lý.

Câu chuyện hành lang pháp lý để tạo tiền đề cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ mới tại Việt Nam, vẫn đang trong tiến trình tiếp tục… chờ và chờ.

Vài tháng trước, Ngân hàng Nhà nước công bố lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech (công nghệ tài chính), tuy nhiên cũng mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngân hàng.

Còn rất nhiều công nghệ mới như blockchain, hay Gamefi, Defi, metaverse… vẫn tiếp tục phải chờ đợi.

Từ năm 2020 trở lại đây, Việt Nam nổi lên trở thành một quốc gia phát triển mạnh hàng đầu công nghệ blockchain cả về phong trào và thực lực trong khu vực các quốc gia Đông Nam Á.

Điển hình là game Axie Infinity đã trở thành game NFT trên nền blockchain có doanh thu, giá trị và lượng người dùng đứng đầu thế giới.

Những kỷ lục đó đã giúp cho Sky Mavis (công ty sở hữu và vận hành Axie Infinity có trụ sở tại TPHCM) trở thành 1 trong 4 doanh nghiệp khởi nghiệp “kỳ lân” tại Việt Nam (có giá trị vốn hóa trên 1 tỉ USD), và có thời điểm còn ngấp nghé lên ngưỡng “siêu kỳ lân” (có giá trị vốn hóa từ 10 tỉ USD trở lên).

Tuy đã đạt được trạng thái như vậy, nhưng nếu phải trả lời câu hỏi Sky Mavis và Axie Infinity đang hoạt động theo hành lang pháp lý nào thì rất  khó xác định. Bởi những doanh nghiệp GameFi như Sky Mavis hiện tại, bên cạnh game còn phát hành mã tiện ích (token) AXS được mua bán, giao dịch trên các sàn giao dịch tiền số (coin), và có một nền kinh tế trong game từng đạt ngưỡng trên 1 tỉ USD/năm.

Trong một cuộc tọa đàm trực tuyến về xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển của trò chơi trực tuyến tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) từng chia sẻ rằng,  hành lang pháp lý vẫn chưa đủ và chưa theo kịp thực tế nên nhiều doanh nghiệp game Việt Nam đăng ký thành lập ở Singapore và đóng thuế tại đảo quốc này thay vì ở Việt Nam.

Một cơ chế Sanbox (khung pháp lý thử nghiệm) tại Việt Nam đang được rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực công nghệ mới chờ đợi.

Cần biết rằng, Sandbox đã được hình thành tại Singapore cả chục năm về trước, chính vì thế quốc đảo này đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp từ nhiều quốc gia khác đến đăng ký và khởi nghiệp. Một trong những trường hợp điển hình chính là siêu kỳ lân Grab, có gốc gác ở Malaysia, nhưng đã chọn Singapore làm nơi khởi nghiệp và đặt tổng hành dinh.

Mô hình công nghệ mới đang mang đến những mô hình kinh doanh mới, từ đó mở ra những phương thức đầu tư mới. Chính vì thế, hành lang pháp lý là yếu tố tiên quyết cần thiết để tạo tiền đề cho doanh nghiệp hoạt động đồng thời cũng có cơ sở để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, qua đó còn có chính sách thuế để thu đúng, thu đủ và tránh được thất thoát.

Không có hành lang pháp lý và cũng chưa có cơ chế Sandbox, các doanh nghiệp lo lắng về sự đúng – sai và phải đối mặt với luật pháp. Cho nên để an toàn, nhiều doanh nghiệp chọn con đường đăng ký pháp nhân ở nước ngoài trong khi vẫn kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn