MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân cần chuẩn bị những gì để không bị thay thế bởi máy móc?

Mạnh Cường LDO | 30/07/2023 14:48

Công nhân lao động chân tay là đối tượng dễ bị máy móc thay thế nhất trong tương lai. Theo ghi nhận của PV, rất nhiều công nhân chấp nhận mặc kệ, nhưng cũng có không ít người đã có hướng chuẩn bị từ bây giờ để không rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Được tiếp cận với internet và công nghệ số từ sớm nên anh Nguyễn Đức Quang đã quyết định tạm ngừng công việc công nhân chuyển sang làm Youtuber. Công việc này theo anh Quang vừa cải thiện thu nhập vừa giúp bản thân có thêm kiến thức, thích nghi tốt hơn với các thay đổi của cuộc sống.

“Sau gần 2 năm trăn trở, tôi đã nghe theo tiếng gọi của đam mê, trở thành một Youtuber. Khi chuyển sang công việc mới, tôi tiếp cận được rất nhiều kiến thức hữu ích, tìm được niềm vui trong cuộc sống và cải thiện thu nhập tốt hơn trước rất nhiều” - anh Quang chia sẻ.

Anh Quang khuyên người lao động nên biết ít nhất 2 nghề để sẵn sàng cho những lúc một trong hai nghề bị thất nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo anh Quang, tuổi tác không quyết định kinh nghiệm hay hành động của mỗi người. Công nghệ, internet là điều mà bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần trong cuộc sống ngày nay. Học hỏi, tiếp thu vốn kiến thức về công nghệ và internet sẽ mở ra cho mọi người rất nhiều cơ hội làm việc với mức thu nhập hấp dẫn.

Chia sẻ chi tiết hơn, anh Quang cho rằng, quyết định này cũng là một bước chuẩn bị để tránh bị thất nghiệp trong tương lai.

Ở công ty cũ nơi anh Quang làm việc, chuyền may đã được trang bị khá nhiều máy móc hiện đại để cải thiện năng suất. Thậm chí, công ty còn thành lập một phòng EI riêng có chức năng cải tiến, sáng tạo các thiết bị máy móc sẵn có trở nên tiên tiến hơn để phục vụ công việc.

Anh Quang cũng khuyên công nhân nếu còn trẻ nên biết ít nhất 2 thậm chí là 3 nghề. Bởi khi không còn làm ở công ty, công nhân sẽ có nghề khác để thay thế.

Chị Nguyễn Thị Thu (27 tuổi), công nhân may tại Bắc Ninh cho biết, bản thân đang tích cực học hỏi những kiến thức mới ở một tầm cao hơn. Mục đích để tránh cơn lốc thất nghiệp khi máy móc phổ cập đồng thời có cơ hội thăng tiến hơn trong tương lai.

Chị Thu có bằng đại học nhưng sau khi ra trường phải cất đi xin vào làm công nhân. Sở dĩ chị làm vậy vừa để có thu nhập trang trải cuộc sống vừa để rèn luyện thêm kỹ năng giúp tiến xa hơn với nghề. Vì tấm bằng hiện tại của chị Thu theo học là chuyên ngành may mẫu, kỹ thuật may.

Chị Thu cho rằng, công nhân nên học cách vận hành máy móc để sau này làm chủ máy móc, tránh bị thất nghiệp. Ảnh minh họa: Anh Chiến.

“Đối mặt với những thay đổi của cuộc sống và xã hội, tôi phải thích nghi và không ngừng nâng cao bản thân mỗi ngày. Hiện tại, tôi đã có tiền đề về lý thuyết, chỉ thiếu thực hành nên sẽ cố gắng làm thật giỏi công việc này trước. Cuối năm nay hoặc đầu năm sau xin chuyển sang may mẫu hoặc kỹ thuật may sẽ dễ dàng hơn rất nhiều” - chị Thu tâm sự.

Khi được hỏi nếu không có bằng đại học hay kiến thức lý thuyết đào tạo qua trường lớp thì phải làm sao, chị Thu trả lời có rất nhiều hướng đi khác.

“Công nhân có thể tích cực sử dụng máy móc để trở thành người vận hành sau này. Hoặc chuyển hướng kinh doanh hay tích lũy thêm kiến thức liên quan đến công nghệ vì đây là xu hướng tất yếu của tương lai. Dù chọn hướng nào vẫn phải nhiệt huyết và kiên trì thì mới làm được và thành công” - chị Thu chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn