MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng chục xe ôtô xếp hàng dài để đưa đón công nhân tại Khu công nghiệp Tam Điệp (Ninh Bình). Ảnh: NT

Công nhân "đánh cược" tính mạng trên những chiếc xe cũ nát ở Ninh Bình

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 25/05/2022 16:15

Ninh Bình - Hàng nghìn công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang phải "đánh cược" tính mạng của mình khi được đưa đón bằng những chiếc xe ôtô cũ nát, không đảm bảo an toàn.

Đưa đón công nhân bằng xe cũ nát

Những chiếc xe khách cũ nát, không đảm bảo an toàn vẫn đang được một số cá nhân, tổ chức tận dụng làm phương tiện để đưa đón công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Có mặt tại tại Khu công nghiệp Tam Điệp (Ninh Bình) vào chiều ngày 24.5, theo ghi nhận của PV Lao Động, dọc hai bên đường trước cổng Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam, hàng chục chiếc xe ôtô chở khách đậu sẵn để đón công nhân sau khi tan ca.

Nhìn bên ngoài cũng có thể nhận thấy đây là những chiếc xe đã cũ nát và có niên hạn sử dụng lâu đời. Thậm chí có những xe đã hết hạn đăng kiểm, không được cấp phù hiệu xe hợp đồng... nhưng hàng ngày vẫn ngang nhiên đưa đón công nhân.

Những chiếc xe kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vẫn hàng ngày đưa đón hàng nghìn công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Ảnh: NT

Chị N.T.H.N (công nhân tại Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam) chia sẻ, mỗi lần ngồi cả tiếng đồng hồ trên những chiếc xe này tôi cứ nơm nớp lo sợ, ghế ngồi hai người nhưng nhà xe nhồi nhét ngồi đến ba, bốn người, thậm chí là còn kê thêm hàng ghế nhựa ở giữa để chở thêm người. 

Xe 32 chỗ ngồi nhưng toàn chở 50 đến 60 người, chật không có chỗ cựa.

Anh T (một tài xế chuyên chở công nhân ở đây) cũng thừa nhận, hầu  hết những chiếc xe ở đây đều có niên hạn sử dụng khá lâu rồi, có xe chỉ còn 1 đến 2 năm là hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn được các chủ xe tận dụng để đưa đón công nhân.

"Tôi hợp đồng chở công nhân từ huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) ra đây làm việc và cuối ngày thì đón về, tất cả các chuyến đều phải chở quá số người quy định mới đủ chi phí vì giá xăng dầu tăng cao, trong khi giá hợp đồng với công nhân thì thấp nên phải chở quá số người quy định để bù lại" - anh T nói.

Chấp nhận đi xe kém chất lượng vì giá rẻ

Biết là xe kém chất lượng, phải chịu cảnh nhồi nhét trên xe nhưng những công nhân ở đây vẫn bất chấp sự an toàn của bản thân chấp nhận đi vì giá rẻ, phù hợp với thu nhập.

Anh N.A.T, quê tại Thạch Thành (Thanh Hóa) hiện đang làm công nhân tại Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Điệp) cho biết, từ nhà đến chỗ làm gần 60km, sáng nhà xe đưa đến công ty và chiều thì đón về.

Mỗi tháng như vậy mất 650.000 đồng và giá thuê xe do chúng tôi tự thỏa thuận với chủ xe và đến tháng lấy lương thì nộp tiền cho nhà xe.

"Biết là xe cũ nát, kém chất lượng và không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông nhưng với mức thu nhập eo hẹp từ đồng lương công nhân thì cũng đành chấp nhận vậy chứ có muốn thuê xe đẹp, xe chất lượng cao thì cũng không có tiền" - anh T chia sẻ.

Công nhân chấp nhận đi xe cũ nát vì giá rẻ. Ảnh: NT

Bà Đinh Thị Thanh Tâm - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam cho biết, công ty hiện có gần 8.000 công nhân lao động, trong đó khoảng 1/3 là công nhân ở xa phải thuê nhà trọ hoặc thuê xe đưa đón.

Việc thuê xe đưa đón thì công nhân tự đứng ra hợp đồng, thỏa thuận giá cả với các chủ xe. Mỗi tháng, công ty hỗ trợ 150.000 đồng đối với những người ở xa công ty trên 30km, 250.000 đồng đối với những người ở xa trên 40km và 350.000 đồng đối với những người ở xa trên 50km.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Trọng Thành - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình cũng thừa nhận tình trạng các chủ xe sử dụng xe ôtô cũ nát, xe kém chất lượng để đưa đón công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là rất phổ biến.

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, lực lượng Thanh tra giao thông đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra xử lý hơn 400 trường hợp xe đưa đón công nhân với các lỗi như: chở quá số người quy định, vi phạm quy định về hợp đồng vận chuyển, xe không có đăng ký, không có kiểm định xe...

"Với mức hỗ trợ vài ba trăm nghìn đồng một tháng so với giá cước vận tải hiện nay thì công nhân không thể thuê được những xe có chất lượng. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có thể mở thêm những tuyến xe bus đến các khu, cụm công nghiệp và có trợ giá để phục vụ nhu cầu đi lại của công nhân" - ông Thành nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn