MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân mong có chợ trong khu công nghiệp

VÂN HI LDO | 26/07/2024 10:39

Dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nhưng công nhân vẫn chọn mua thực phẩm tại chợ tự phát vì nhiều lí do.

Đã thành thông lệ, tan ca lúc 17h, chị Nguyễn Thị Cẩm (công nhân Khu công nghiệp Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang - tên nhận vật được thay đổi) lại ghé vào khu chợ tự phát trước cổng khu công nghiệp mua thực phẩm nấu bữa tối cho gia đình.

Chợ tự phát trước cổng Khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Ngọc An

Thắc mắc lí do không chọn thực phẩm tại chợ truyền thống, chị Cẩm cho hay: "Trước tôi mua ở chợ Đông Phú, nhưng sau tiểu thương bán dọc đường nhiều, đồ ăn cũng phong phú, dù đậu xe giữa đường mua cũng sợ nhưng vì tiện đường nên vẫn ghé".

Cho bó rau vào túi nilon, nữ công nhân tiếp lời: "Lương mỗi tháng chỉ được 7 triệu đồng tính cả tăng ca, do đó mua gì, ăn gì cũng tính toán trước sau. Chợ tự phát họ bán rẻ hơn, tiết kiệm được 1-2 nghìn đồng với công nhân cũng là nhiều. Nếu như có chợ trong khu công nghiệp cho công nhân thì tốt quá, đi lại cũng gần".

Tiểu thương bày hàng ven đường để họp chợ bán cho công nhân lao động. Ảnh: Ngọc An

Còn tại TP Cần Thơ, cầu Rạch Chôm (đường tỉnh 920, qua phường Phước Thới, quận Ô Môn) tình trạng tấp nập người mua kẻ bán trên cầu, tiếng còi xe bóp in ỏi vì lấn chiếm lòng đường cũng diễn ra nhiều năm qua.

Mặc dù biết việc đỗ xe lòng đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nhưng chị Nguyễn Hồng Mai (công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ - tên nhân vật đã thay đổi) vẫn chọn chợ cóc để mua thực phẩm vì giá rẻ.

Chị Mai cho biết: “Tôi mua thực phẩm ở chợ cóc, hoặc nếu bận thì mua qua nhóm chợ khu công nghiệp trên mạng vì ở đó giá rẻ, phù hợp với thu nhập. Cũng lo chuyện hợp vệ sinh nhưng gần đây không có khu chợ lớn, siêu thị mini nên phải chịu, chỗ nào bán ăn không bị sao thì cứ mua”.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ảnh: Ngọc An

Theo kế hoạch chi tiêu của nữ công nhân này, 100.000 đồng là số tiền đi chợ cho 3 người/ngày. Sở dĩ gói ghém trong mức này là vì đồng lương eo hẹp nhưng phải lo nhiều khoản phí như điện nước, ăn uống, thuốc men khi đau ốm.

"Nếu có khu chợ công nhân được quản lí, kiểm tra, giá rẻ và gần khu công nghiệp thì đỡ cho công nhân vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo an toàn", chị Mai nói.

Trước đó, tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo TP Cần Thơ với cán bộ công đoàn và công nhân lao động năm 2024, Sở Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục xem xét, rà soát lại các vấn đề về trung tâm thương mại, siêu thị mini để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người lao động, đảm bảo việc mua sắm thuận lợi, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn