MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân ngoài khu công nghiệp cần được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 08/06/2023 10:57

Trong phiên họp thảo luận về Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi, bổ sung) sáng ngày 5.6, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, đã có nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi cho rằng nên mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách mua nhà ở xã hội.

Theo đó, không chỉ bó hẹp trong phạm vi người mua nhà ở xã hội là công nhân đang làm việc cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp mà nên quy định tất cả các đối tượng là công nhân lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp, đảm bảo tính công bằng cũng như sự thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Thực tế hiện nay cho thấy số lượng công nhân, người lao động đang làm việc cho các cơ sở tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh, liên kết, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp (như công nhân may mặc, giày da, công nhân làm việc tại các công trình...) hầu như là chiếm đa số với một số lượng rất lớn công nhân lao động trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm với đủ mọi ngành nghề, thành phần.

Như tại thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê của cơ quan chức năng, số lượng công nhân, người lao động đang làm việc là rất lớn - khoảng trên dưới 3 triệu công nhân lao động - trong đó chỉ có khoảng 330.000 người hiện đang làm việc trong các khu công nghiệp, số lao động còn lại là làm ngoài khu công nghiệp.

Có thể thấy, với số lượng lớn là công nhân lao động đang làm việc ngoài khu công nghiệp, đây là một lực lượng lao động dồi dào và đóng góp cho xã hội rất lớn bằng nhiều sản phẩm, ngoài mong muốn có được việc làm, thu nhập ổn định, bản thân họ cũng mong ước có được một chỗ ở ổn định để "an cư lạc nghiệp", tận tâm cống hiến cho xã hội, cho ngành và cho doanh nghiệp. Với họ, việc được mua một căn hộ là nhà ở xã hội, phù hợp với túi tiền và phù hợp với thu nhập cũng là niềm mơ ước hoàn toàn chính đáng.

Tôi có hai người cháu (quê ở Quảng Ngãi) hiện đang làm công nhân may mặc cho một doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Sau gần hai mươi năm vào thành phố thuê trọ, làm công nhân may mặc, các cháu cho biết là đã tích góp, dành dụm được một số tiền với dự định sẽ mua một căn hộ là nhà ở xã hội sau khi vay mượn thêm người thân ở quê nhà.

Thế nhưng đối chiếu theo quy định của luật pháp hiện hành, hai cháu không thuộc đối tượng được phép mua căn hộ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở vì không phải là công nhân lao động đang làm việc trong khu công nghiệp. Vì lý do đó, nhiều năm nay hai cháu tôi vẫn đang thuê trọ để làm công nhân.

Nếu sắp tới đây, Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung cho phép và mở rộng đối tượng "thụ hưởng" chính sách về nhà ở xã hội, điều đó cũng đồng nghĩa là hai cháu tôi sẽ có nhiều cơ hội để có thể mua và sở hữu căn hộ nhà ở xã hội sau gần hai mươi sống đời ở trọ. Đó cũng chính là niềm mơ ước của các cháu.

Do đó, có thể nói việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng về chính sách nhà ở xã hội là việc cần làm và cần được quan tâm, trước hết là để đảm bảo tính công bằng của chính sách cho tất cả công nhân, người lao động dù là bản thân họ đang làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp. Việc sửa luật, mở rộng đối tượng thụ hưởng cũng là cách để đảm bảo công bằng, không có sự phân biệt đối xử, tránh bỏ sót một lực lượng lớn (hơn 80%) là đối tượng công nhân, người lao động làm việc ngoài khu công nghiệp không được thụ hưởng hưởng chính sách...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn