MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rác lấp đầy miệng cống trên quốc lộ 13, Q.Bình Thạnh (TPHCM). Ảnh: S.H

Cống thoát nước ở Sài Gòn thành nơi chứa rác

SƠN HÀ LDO | 03/07/2018 06:30
Việc người dân xả rác bừa bãi xuống cống làm nước không thể thoát là một trong những lý do gây ngập ở TPHCM.

Theo ghi nhận, khắp các tuyến đường từ phía tây như Q.Tân Phú, Tân Bình, Q.6, Bình Tân cho đến phía đông là Thủ Đức, Q.9, Bình Thạnh; hay phía nam là Q.7, Nhà Bè… đâu đâu đều có cảnh lấp miệng cống thoát nước để tránh mùi hôi, cũng như rác sinh hoạt được người dân vứt bừa bãi trên đường, nhất là ở những miệng cống thoát nước.

Ngày 2.7, dọc lề quốc lộ 13 (Q.Bình Thạnh), rác thải sinh hoạt của người dân không chỉ để nhếch nhác ở lề đường mà còn đặt lên nhiều miệng cống.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên đường D2, D3 (Q.Bình Thạnh), hay đường Hoàng Sa, Trường Sa (qua địa bàn quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình),… Đặc biệt, nhiều miệng cống thu nước trên đường Hoàng Sa (Q.1) còn bị bịt kín bởi các mảng bê tông.

Tình trạng xả rác trước miệng cống trên quốc lộ 13, Q.Bình Thạnh.
Nhiều người vẫn có thói quen xem miệng cống là nơi tập kết rác.
Rác nhét đầy miệng cống.

Theo Phó giám đốc Trung tâm chống ngập nước TPHCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng, dù cống thoát nước có làm thêm bao nhiêu, to cỡ nào nhưng rác cứ bít các miệng hố ga thì nước không thoát được. Tình trạng ngập của thành phố vì thế mà không cải thiện.

Theo TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) - việc xả rác vô tội vạ đã gây tắc cống và làm giảm 30-40% năng lực thoát nước của TPHCM. Ông Phi cho rằng muốn giảm tình trạng này phải giáo dục ý thức người dân và tăng mức hình phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi.

Rác và các mãng be tông bịt kín miệng thoát nước trên đường Hoàng Sa, Q.1.

Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi về vấn đề ngập nước tại TPHCM” vừa được tổ chức, sau khi nghe chia sẻ tâm tư và nguyện vọng của những công nhân vớt rác dưới cống, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã thay mặt chính quyền thành phố xin lỗi về những vất vả, nguy hiểm mà công nhân thoát nước phải đối mặt.

Theo bà Tâm, việc để rác đúng nơi quy định không chỉ góp phần giảm ngập mà còn làm cho thành phố xanh sạch hơn. Giải pháp này không phải tốn tiền nhưng thời gian qua chính quyền thành phố, các đoàn thể chưa làm tốt.

Rác ngập cống khiến công nhân thoát nước rất vất vả vớt rác.
Đủ loại rác thải được công nhân vớt từ dưới cống lên.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, cho rằng để việc giảm ngập được hiệu quả không chỉ từ nỗ lực của các cấp, các ngành mà cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Để giải quyết tình trạng xả rác tại các hố ga hiện nay, ông Tuyến cho rằng cần triển khai nhân rộng thiết kế miệng hố ga ngăn mùi, ngăn xả rác. Đặc biệt, thành phố sẽ kiên quyết xử lý các điểm lấn chiếm hệ thống thoát nước và đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý hành vi xả rác bừa bãi.

TPHCM đã lắp đặt thí điểm hệ thống miệng hố ga kiểu mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn