MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng đã nhiều lần phải đến chầu chực trước văn phòng để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Ảnh Vinh Hải

Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng: Chưa ưu tiên giải quyết quyền lợi người lao động

Huy Bình LDO | 13/01/2017 11:23
Gần 5 năm phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không thu nhập, không chế độ nhưng để bảo vệ khối tài sản có nguy cơ bị tháo dỡ, tập thể người lao động ở Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng (GSS) vẫn kiên trì chờ đợi với niềm hi vọng GSS sẽ tìm được nhà đầu tư để khôi phục sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm, từng bước giải quyết các quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Ngày 17.7.2016, Báo Lao Động nhận được đơn đề nghị khẩn cấp của đại điện tập thể người lao động đã và đang làm việc tại GSS về việc không được pháp luật bảo vệ liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ

 Theo nội dung đơn phản ánh, trước đây Công ty là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng Thái Nguyên trực thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên, được cổ phần hóa năm 2007 với tổng số lao động khi đó khoảng trên 1.000 người. Do quá trình sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, có nguy cơ phá sản nên quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng….

Hiện nay, tổng số lao động phải tạm ngừng việc, thôi việc mà chưa được giải quyết chế độ là khoảng 400 người. Theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, khi không bố trí được việc làm cho người lao động, dẫn tới việc họ phải nghỉ việc thì Công ty phải có trách nhiệm chi trả lương, các khoản trợ cấp (trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm…) và giải quyết chế độ bảo hiểm cho họ; tuy nhiên do GSS không có khả năng thanh toán nên việc tập thể người lao động phải giữ tài sản của GSS làm cơ sở duy nhất để đòi quyền lợi của mình.      

Niềm vui chưa tày gang…

Tháng 6.2016, Ban lãnh đạo GSS đã phối hợp với các cơ quan ban ngành hữu quan đưa ra nhiều giải pháp phục hồi sản xuất trong đó việc lựa chọn nhà đầu tư là mục tiêu hàng đầu. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh Thái Nguyên, GSS đã có nhà đầu tư vào để khôi phục sản xuất là Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng và đã có nguồn tài chính từ việc bán đấu giá tài sản (khoảng 57 tỉ đồng).

Tuy nhiên, quyền lợi của người lao động có nguy cơ không được xem xét, giải quyết vì Ban lãnh đạo Công ty dù có mong muốn giải quyết chế độ cho người lao động như cam kết cũng không thể vượt qua được những đòi hỏi của chủ nợ là Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên với khoản nợ gốc và lãi lên tới gần 57 tỉ đồng.

Cực chẳng đã, người lao động đã phải kêu cứu tới Báo Lao Động. Ông Vũ Mệnh Khanh – đại diện người lao động của Công ty - cho biết: “Chúng tôi phải động viên tinh thần lẫn nhau để đi làm mà không hề đòi hỏi quyền lợi nhưng thực chất là bảo vệ và giữ gìn tài sản. Chúng tôi không mong muốn những sự việc đáng tiếc lại tiếp tục xảy ra như năm 2015, nhà đầu tư đòi tháo dỡ tài sản khi quyền lợi của người lao động không được bảo đảm. Nay, GSS đã có nhà đầu tư mới là Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng (doanh nghiệp lấy chữ Tín làm đầu) đã cam kết khôi phục sản xuất, không tháo dỡ tài sản, từng bước giải quyết công ăn việc làm cho người lao động là chúng tôi rất vui. Nhưng việc truy thu toàn bộ cả gốc lẫn lãi của Ngân hàng Công thương - Chi nhánh Thái Nguyên đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng tôi… Đề nghị Quý Báo lên tiếng giúp người lao động chúng tôi có ý kiến với các cơ quan ban ngành tỉnh Thái Nguyên làm việc với Ngân hàng Công Thương Việt Nam để ưu tiên giải quyết, thanh toán các khoản nợ của GSS cho người lao động từ nguồn tài chính thu được từ bán đấu giá tài sản”.    

Nhận thấy đây là vụ việc có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, Báo Lao Động đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị xem xét và có ý kiến với các cơ quan ban ngành của tỉnh về việc ưu tiên giải quyết thanh toán các khoản nợ của GSS đối với người lao động từ nguồn tài chính bán đấu giá tài sản nêu trên và có thông báo để trả lời theo luật định.     

Chưa ưu tiên đến quyền lợi người lao động     

Thực hiện văn bản số 2875/UBND - TCD ngày 15.8.2016 của UBND Thái Nguyên về việc tham mưu trả lời đơn của đại diện tập thể người lao động tại GSS và để có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh trả lời đơn của người lao động và Báo Lao Động, ngày 29.8.2016, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì tổ chức buổi làm việc với tập thể người lao động tại GSS với sự tham gia của các ban ngành chức năng gồm: Lãnh đạo văn phòng tiếp công dân của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, lãnh đạo Sở LĐTBXH; Sở Công Thương; đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên, cơ quan bảo hiểm và Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đông đảo phóng viên, báo chí: Báo Lao Động, Báo Thái Nguyên, Đài truyền hình tỉnh….

Tại buổi làm việc, đại diện Ban lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên đã cam kết cắt giảm lãi suất để cho GSS giải quyết quyền lợi của người lao động, cụ thể: Công ty nợ Ngân hàng 55 tỉ đồng. Ngân hàng sẽ thu hồi 38 tỉ đồng (gồm nợ gốc là trên 33 tỉ đồng và 5 tỉ tiền lãi). Số 17 tỉ đồng tiền lãi còn lại, trước mắt, sẽ để lại khoản tiền lãi hơn 9 tỉ đồng (thuộc thẩm quyền) để giải quyết ngay; khoản tiền lãi hơn 8 tỉ đồng còn lại đang chờ cấp trên phê duyệt và sẽ trao lại cho GSS khi có ý kiến của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Ông Vũ Mệnh Khanh nêu quan điểm: “Khó khăn của GSS thì không phải nói ai cũng hiểu; tuy nhiên vấn đề bảo vệ quyền lợi của hơn 400 người lao động tại Công ty cần phải có sự chia sẻ hơn nữa từ Ban lãnh đạo Ngân hàng Công Thương; chúng tôi đi làm không lương từ tháng 10 năm 2012 đến nay đã quá khổ, nhiều người đến tuổi nghỉ hưu phải tự bỏ tiền túi ra để đóng bảo hiểm cho đủ; chưa kể tới các đối tượng được hưởng trợ cấp cũng không có nguồn để giải quyết. Với khoản tiền “hỗ trợ” như quan điểm của phía Ngân hàng thì chúng tôi không thể trả hết các quyền lợi cho người lao động”. 

Đồng quan điểm với tập thể người lao động, đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên (ông Nguyễn Thành Long - Phó giám đốc Sở LĐTBXH chủ trì cuộc họp ngày 29.8.2016) đã đề nghị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên xem xét và hỗ trợ nhiều hơn nữa (ngoài khoản tiền lãi 17 tỉ đồng như cam kết) để người lao động có cơ hội được giải quyết các chế độ theo luật định.      

Luật sư Lê Minh Thắng – Công ty Luật TNHH MTV K và Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại GSS trong trường hợp này phải xem xét thứ tự ưu tiên thanh toán theo đúng quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án:

Theo quy định của Luật thi hành án 2008 (Sửa đổi bổ sung năm 2014), về nguyên tắc thì:

“1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ đi các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này, được thanh toán theo thứ tự sau đây:

a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;

b) Án phí; lệ phí Tòa án

c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.” (Khoản 1 Điều 47)

Cũng tại cuộc họp, không đồng tình với quan điểm của đại diện Sở Tư pháp và Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên khi cho rằng thứ tự ưu tiên phải là bên nhận cầm cố, thế chấp khi xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo bản án (Khoản 3 Điều 47), luật sư Thắng khẳng định: "Nội dung bản án, quyết định chỉ tuyên một nghĩa vụ thanh toán mà hoàn toàn không có nội dung xử lý tài sản cầm cố hoặc thế chấp; do đó việc ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên trước quyền lợi của người lao động là chưa phù hợp với Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Như vậy, xét ở khía cạnh đặc thù của GSS với mục tiêu khôi phục sản xuất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; phù hợp với chủ trương của các cơ quan ban ngành tỉnh Thái Nguyên; việc ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người lao động tại GSS trước các khoản phải thi hành án theo bản án mới là quyết định đúng pháp luật và là vấn đề cấp bách hiện nay tại GSS. Làm tốt điều này sẽ có tác động tích cực, trực tiếp đến mục tiêu khôi phục sản xuất và an ninh trật tự xã hội tại địa bàn, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cho đến nay, những quyền lợi chính đáng nêu trên của người lao động tại GSS vẫn chưa được giải quyết một cách thấu tình đạt lý theo đúng quy định của pháp luật.

Báo Lao Động sẽ thông tin thêm đến bạn đọc về vụ việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn