MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các gia đình thường lựa chọn hoa đào để trưng Tết. Ảnh: Hà Mạnh

Công ty tăng trưởng âm, hộ kinh doanh ở Hà Nội mách cách chi tiêu dịp Tết

Hà Anh LDO | 15/01/2023 09:46

Anh Nguyễn Minh Hải (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ với Báo Lao động về việc chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 

Kinh doanh trong mảng xây dựng nội thất, trong năm 2022, do ít công trình nên công ty của anh Hải doanh thu tăng trưởng… âm.

Trong khi đó, vợ anh Hải làm nghề kinh doanh tự do nên thu nhập không ổn định, lại thêm đang nuôi 2 con đang tuổi ăn - tuổi học dẫn tới kinh tế gia đình không dư dả.

Tuy nhiên, với hướng suy nghĩ “Tết chỉ diễn ra một lần trong năm” - nên anh Hải vẫn cố gắng chăm lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy, đầm ấm.

“Sau một năm làm việc vất vả, thì dịp Tết vẫn được nhắc đến là khoảng thời gian vui vẻ, gia đình sum họp… do đó, dù trong năm 2022 còn nhiều khó khăn thì tôi và vợ cũng vẫn sẽ lo cho gia đình một cái Tết no đủ. Đặc biệt, trong nhà tôi, ngày Tết không thể thiếu sắc hồng của hoa đào, màu xanh, vàng của cây quất” - anh Hải chia sẻ.

Anh Nguyễn Minh Hải và 2 con trong một buổi sum họp gia đình. Ảnh: Mai Lan 

Làm nghề buôn bán tự do, nên chị Lan - vợ anh Hải - rất thạo trong việc tính toán các khoản chi tiêu. 

“Việc đầu tiên mà bạn cần làm đó là liệt kê danh sách những khoản sẽ dùng trong dịp Tết. Trong đó, những khoản tiền như khoản biếu Tết ông bà nội ngoại, tiền lì xì, quà cáp, thực phẩm, hoa, cây cảnh trang trí trong nhà, sắm quần áo mới cho 2 con và chúng tôi…

Do tình hình kinh tế trong năm 2022 không được như ý muốn nên tôi dự kiến chi khoảng hơn 12 triệu đồng trong dịp Tết năm nay” - chị Lan cho hay.

Theo chị Lan, để chuẩn bị quà Tết cho gia đình nội ngoại, chị đặt mua biếu mỗi bên 2kg giò lụa, bò (khoảng 500.000 đồng); bỏ bao lì xì mừng tuổi bố mẹ mỗi bên 1 triệu đồng; thực phẩm, hoa, cây cảnh khoảng 5  triệu đồng; sắm quần áo, giầy dép mới cho con trẻ tầm 2 triệu đồng…

Để tiết kiệm chi phí, chị Lan sẽ lựa chọn sản phẩm khuyến mại, bởi cận Tết là thời điểm nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng nhằm kích cầu mua sắm cũng như đẩy đi hàng tồn kho. 

“Đây là thời điểm thích hợp để tôi và gia đình dạo quanh siêu thị và lựa chọn những thứ mình cần với giá hợp ví.

Qua khảo sát, tôi thấy các siêu thị đều đang giảm giá mặt hàng bánh, kẹo, quần áo, giấy ăn… Nếu mua nhiều hàng thì số tiền tiết kiệm được cũng kha khá đấy.

Tuy nhiên, khi mua hàng thì cũng phải cẩn thận, khảo giá trước, đối với hàng thực phẩm thì cần xem xét kỹ hạn sử dụng, tránh mua hàng sắp hết date để sử dụng sẽ không tốt cho sức khỏe” - chị Lan chia sẻ kinh nghiệm…

Chị Lan “lo” khoản thực phẩm, biếu xén 2 bên gia đình, còn anh Hải được giao nhiệm vụ đi mua đào, quất trưng trong nhà.

Anh Hải cho biết: "Dạo qua phố phường Hà Nội, nhất là các tuyến đường Bưởi, Lạc Long Quân, Quảng Bá… tôi đã thấy tràn ngập sắc hoa, hoạt động mua sắm diễn ra rất sôi động và giá cũng không cao hơn năm ngoái.

Cũng như mọi năm, năm nay, tôi sẽ đi các chợ hoa Xuân để tìm mua một cành đào nhỏ để đặt trên ban thờ, cành đào to để phòng khách trang trí nhà cửa.

Bởi tôi có cảm nhận, trong nhà có hoa đào là có không khí Tết - đây được coi là nét truyền thống của gia đình tôi nhiều thế hệ nay. Dự định chi phí mua hoa đào khoảng 1 triệu đồng; ngoài ra, tôi sẽ mua thêm một cây quất nhỏ với giá 300.000 đồng…".

Anh Hải hy vọng, sau khi gia đình đón một cái Tết sum vầy, đầm ấm, hạnh phúc trong năm Quý Mão 2023, anh sẽ có nhiều năng lượng tích cực để vượt khó, tìm kiếm được nhiều thoả thuận hợp tác nhằm có đủ việc làm, thu nhập cho bản thân cũng như các đồng nghiệp trong công ty. 

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn